Mặt bằng lãi suất trong tháng 8 lại tiếp tục chứng kiến một đợt giảm sâu, khi nhiều nhà băng liên tục giảm lãi suất tiền gửi, sau màn châm ngòi điều chỉnh giảm đồng loạt của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh hồi đầu tháng. Liệu lãi suất có sắp chạm đáy?
Giảm sâu
Trong đó, một số ngân hàng có mức giảm khá mạnh như VPBank giảm 1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng so với thời điểm cuối tháng 7, kỳ hạn 12-13 tháng giảm 0.5 điểm phần trăm và trên 13 tháng giảm 0.8 điểm phần trăm. Tương tự, khung lãi suất tiền gửi của ACB trong tháng 8 vừa qua cũng giảm thêm 0.2-0.3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-5 tháng, giảm 0.8-0.9 điểm phần trăm kỳ hạn 6 và 9 tháng, giảm 1.8 điểm phần trăm kỳ hạn 12 tháng, giảm 1.6 điểm phần trăm kỳ hạn 13 tháng và giảm 0.9 điểm phần trăm các kỳ hạn trên 13 tháng.
Hay như Eximbank chứng kiến đến 4 lần giảm lãi suất trong tháng 8, với kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0.5 điểm phần trăm, kỳ hạn 6-12 tháng giảm 0.9-1.4 điểm phần trăm, kỳ hạn trên 12 tháng giảm 1.6 điểm phần trăm. MBBank ghi nhận 3 lần giảm liên tiếp trong tháng 8, với kỳ hạn 1-5 tháng giảm từ 0.55-0.85 điểm phần trăm, kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0.8 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 0.6-0.7 điểm phần trăm.
Điểm đáng lưu ý trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này là nhiều nhà băng cũng đã chủ động giảm ở các kỳ hạn 1-5 tháng, rời xa mức trần theo quy định hiện nay ở 4.75%. Ngoài các ngân hàng kể trên, nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ cũng chứng kiến xu hướng tương tự. Đơn cử như Saigonbank giảm 1.15 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng so với tháng 7, kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0.75 điểm phần trăm, 6-11 tháng giảm 0.8-0.9 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 1 điểm phần trăm, ngoại trừ kỳ hạn 13 tháng giảm đến 1.2 điểm phần trăm.
Nếu như cùng thời điểm này năm trước, các ngân hàng đối mặt với áp lực lãi suất không ngừng gia tăng, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá đều tiềm ẩn những bất ổn ảnh hưởng lên tâm lý người gửi tiền, đồng thời nguồn vốn tắc nghẽn ở nhiều thị trường. Nhưng giờ đây mọi thứ lại đang diễn biến ngược lại, lãi suất huy động vốn không ngừng đi xuống trong bối cảnh các ngân hàng cũng rơi vào tình trạng ”thừa tiền”.
Hiện không ít nhà băng đã đưa khung lãi suất huy động vốn về lại mức thấp trước thời điểm tháng 9 năm trước. Đơn cử như lãi suất tiền gửi của nhóm Big 4, với Vietcombank lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng hiện ở mức 3%, tương ứng mức của tháng 10/2021, kỳ hạn từ 3 tháng trở lên đều thấp hơn 0.6 điểm phần trăm mức tại thời điểm tháng 9 năm trước. Hay như ở nhóm NHTM tư nhân, VPBank huy động kỳ hạn 1-5 tháng với lãi suất thấp hơn 0.3-0.5 điểm phần trăm so với tháng 9 năm trước, các kỳ hạn 6-13 lãi suất đang xấp xỉ mức đầu năm 2022 còn trên 13 tháng trở lên lãi suất đang ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Nhiều dự báo vẫn cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ còn động thái tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm thêm lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm nay. Thực tế với việc lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng của nhiều ngân hàng hiện đã rời xa mức trần như đã nói, việc nhà điều hành nếu giảm thêm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng để sát với diễn biến thực tế cũng không có gì bất ngờ.
Đây có thể xem là một thành công của các cơ quan quản lý khi đã sớm ngăn chặn được xu hướng gia tăng lãi suất ngay từ quý 1 đầu năm nay, thậm chí còn kéo giảm nhanh trở lại kể từ đó đến nay, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng trung ương (NHTW) khác trên toàn cầu vẫn đang trong lộ trình thắt chặt chính sách hoặc neo giữ lãi suất ở mức cao.
Chạm đáy?
Dù vậy, với mức giảm mạnh liên tiếp trong thời gian gần đây, không loại trừ khả năng xu hướng đi xuống của lãi suất sắp chạm giới hạn, nhất là khi đang ngày càng xuất hiện thêm các yếu tố có thể kìm hãm đà đi xuống của lãi suất. Với chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 vừa qua tăng mạnh 0.88% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 4 đi lên liên tiếp, theo đó đẩy mức tăng so với cùng kỳ lên 2.96%, dường như lạm phát cũng đã chạm đáy và đang bắt đầu xu hướng đi lên trở lại.
Lạm phát đã chạm đáy và đang đi lên trở lại?
|
Trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm đang leo thang theo xu hướng của thế giới, áp lực lạm phát trong giai đoạn tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Sau một loạt quốc gia hạn chế xuất khẩu gạo, gần đây Trung Quốc yêu cầu các công ty tạm dừng xuất khẩu phân urê, càng làm gia tăng bất ổn cho thị trường nông nghiệp toàn cầu, vốn đã chịu những tác động tiêu cực từ xung đột quân sự và chiến lược “tích cốc phòng cơ” của nhiều quốc gia.
Ngoài ra, giá năng lượng cũng đang trong xu hướng tăng trở lại. Mới đây Goldman Sachs đã cảnh báo giá dầu có thể trở lại vùng 3 chữ số vào năm 2024 nếu Nga và Ả-rập Xê-út tiếp tục các đợt cắt giảm nguồn cung quyết liệt hiện tại. Trước đó, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent chỉ lên 86 USD/thùng vào cuối năm nay và 93 USD/thùng vào cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng thiết yếu trong nước như giá điện có thể được điều chỉnh tăng giá trong thời gian tới. Gần đây, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã đồng ý phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Mới nhất lại có đề xuất cho phép EVN thu hồi khoản lỗ qua giá điện. Hiện lỗ sản xuất kinh doanh 2022 và chênh lệch tỷ giá của EVN dồn từ các năm chưa được hạch toán lên khoảng 40,925 tỷ đồng, do đó giới phân tích cũng lo ngại giá điện có thể tăng sốc nếu tính thêm các khoản lỗ này vào.
Việc tỷ giá USD/VNĐ trong nước có dấu hiệu tăng nhanh trở lại theo đà tăng của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế và xu hướng phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, cũng là một trong những rào cản kìm hãm động lực kéo giảm lãi suất tiền đồng. Dù nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào và những biến động của tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng có lẽ việc để tỷ giá đi lên cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ xuất khẩu phục hồi trở lại.
Trước những diễn biến này, việc cho rằng lãi suất sắp chạm đáy là có cơ sở, tuy nhiên vẫn sẽ còn phụ thuộc vào xu hướng tín dụng thời gian tới ra sao. Nếu tín dụng tiếp tục tăng trưởng trì trệ, các ngân hàng vẫn thừa vốn buộc sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào. Số liệu tăng trưởng tín dụng cập nhật đến ngày 29/8 cho thấy đã có sự cải thiện, khi tăng 5.33% so với đầu năm, tức tăng hơn 1% chỉ riêng trong tháng 8, là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên nếu so với mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm, tốc độ tăng cho đến nay vẫn rất chậm.
Gần đây, các ngân hàng lại đẩy mạnh phát hành trái phiếu mới sau khi những hạn chế bị tháo gỡ, càng giúp nguồn vốn dồi dào hơn. Riêng trong tháng 8 vừa qua có tới 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành lên tới hơn 12,000 tỷ đồng. Cụ thể, theo Nghị định 65, tất cả doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải công bố thông tin định kỳ về tình hình sử dụng vốn trái phiếu còn dư nợ được kiểm soát bởi tổ chức kiểm toán. Tuy nhiên, sau phát hành số tiền mà các ngân hàng huy động được từ trái phiếu với nguồn khác (tiền gửi dân cư, chứng chỉ tiền gửi…) được hòa làm một, nên kiểm toán khó xác định được, nhưng khó khăn này đã được tháo gỡ cuối quý 2/2023 khiến phát hành trái phiếu ngân hàng hai tháng gần đây tăng mạnh trở lại.
Theo Vietstock