Tính đến cuối tháng 6/2024, mức lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng lên trên 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài, tập trung ở khối ngân hàng tư nhân nhỏ, theo An Ninh Tiền Tệ.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại lớn đã chạm đáy 4,35%/năm vào cuối tháng 3/2024, theo số liệu WiChart. Lãi suất huy động cùng kỳ hạn với nhóm ngân hàng thương mại khác và nhóm Big 4 (Vietcombank (HM:VCB), BIDV (HM:BID), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HM:CTG) và Agribank) chạm đáy lần lượt là 4,52%/năm và 4,68%/năm vào đầu tháng 4. Thế nhưng đến nay, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại lớn và ngân hàng thương mại khác đã nhích lên, lần lượt đạt 4,75%/năm và 4,98%/năm.
Theo đánh giá từ VCBS, lãi suất huy động không còn dư địa để giảm tiếp trước áp lực của tỷ giá và lạm phát. Trong đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý III/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND cũng khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm.
Các chuyên viên phân tích của VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III/2024, tăng 0,3-0,5%. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể tăng 0,5-1%. Tuy nhiên, trước bối cảnh các kênh đầu tư khác khó tăng cao, kể cả bất động sản, chứng khoán và vàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát thị trường, bình ổn giá, nên nguồn tiền nhàn rỗi tiếp tục chọn ngân hàng trú ẩn.
Trong bối cảnh tín dụng nền kinh tế có phần cải thiện hơn so với đầu năm, các ngân hàng chuẩn bị thanh khoản đón đầu cầu tín dụng tăng trong các quý còn lại của năm. Theo NHNN, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023, mặc dù hoạt động cho vay chưa tăng cao, song tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng của các ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn so với cùng kỳ của 3 năm trước.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế – tài chính cũng nhận định, nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ 3 yếu tố, gồm lạm phát, tỷ giá và giá vàng. Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động trong 2 tháng qua chỉ tăng ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, chứ không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Dẫu vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế, lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ.
Chia sẻ vấn đề lãi suất hiện nay, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, xu hướng nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, trong năm 2024, có một số yếu tố cũng gây bất lợi cho lãi suất như lạm phát tăng cao hơn năm 2023, dự kiến khoảng 3,4%; tỷ giá neo cao; giá vàng biến động và nhiều thời điểm tăng mạnh…
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, với chính sách kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng cho vay dưới chuẩn, tiết kiệm chi phí để giảm lãi vay, lãi tiết kiệm không thể tăng quá 1% so với năm 2023.
Với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 5-6%/năm vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi. Tuy nhiên, bất động sản và chứng khoán cũng đang là những kênh đầu tư đáng chú ý.
Cân đối giữa các kênh đầu tư, Giám đốc điều hành AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, trong các kênh đầu tư hiện nay, gồm gửi tiết kiệm, vàng, cổ phiếu, bất động sản, thì nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng, tiếp tục duy trì cổ phiếu và cẩn trọng với vàng.
Theo investing