Lãi suất cho vay năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục hạ?

Trước bối cảnh lãi suất cho vay vẫn còn cao, các chuyên gia kỳ vọng với các chính sách do Chính phủ và NHNN ban hành thời gian qua sẽ tiếp tục giảm đồng thời kéo lãi suất điều hành trong năm 2024 cũng tiếp tục được hạ.

Từ đầu năm đến nay các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm lãi suất từ khoảng 2-2,5%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất tiền tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng lớn hầu hết đều dưới 5,3%. Cụ thể tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HM:TCB), lãi suất tiền gửi là 5,25%, Vietcombank (HM:VCB) (5,10%), Agribank (5,50%), BIDV (HM:BID) (5,30%), VPBank (HM:VPB) (5,30%)…

Mặc dù mức giảm này khá cao so với kỳ vọng của NHNN đặt ra từ đầu năm, tuy nhiên mức giảm này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Ước tính trong khoảng một tháng trở lại đây đã có trên 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động, là cơ sở để tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi với lãi suất rất cao vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay thì sẽ kéo theo các khoản lỗ nghiêm trọng. Và chính sách điều hành hạ nhiệt đối với lãi suất cũng cần độ trễ nhất định mới có thể hấp thụ được vào nền kinh tế chung.

Tại một cuộc Hội thảo về tín dụng ngân hàng mới đây, lãnh đạo MB chia sẻ, dự kiến sang đến hết quý I/2024, các khoản tiền gửi tiết kiệm có mức lãi suất cao mới đến kỳ đáo hạn.

Lãnh đạo một số NHTM cho biết, mỗi ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng, có khẩu vị riêng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm khách hàng ưu tiên của mình. Đồng thời, ngân hàng thực hiện rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao khi đầu ra sản phẩm không có do sức tiêu thụ của thị trường yếu. Hơn nữa, độ trễ chính sách phải hết quý I/2024 lãi suất cho vay mới tiếp tục có thể giảm được, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất đang “thắt lưng buộc bụng”.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của HDBank (HM:HDB) cho biết, lãi suất cho vay hiện nay đã thấp hơn quý trước, tuy vậy các ngân hàng vẫn vất vả tìm khách hàng tốt để cho vay.

Lý giải về việc ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn, ông Phương lưu ý doanh nghiệp nên tránh 3 điều để tạo niềm tin cho ngân hàng:

  • Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, “không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn”.
  • Thứ hai là không nên để nợ quá hạn.
  • Thứ ba là vòng quay vốn không dài.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, ngoài khó khăn về pháp lý, thì các doanh nghiệp bất động sản đang thiếu vốn để triển khai tiếp theo các dự án dang dở. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn còn cao, thì đây là một bài toán hóc búa, như vậy giá bán nhà hoàn thiện sẽ phải cao hơn và lại dính vòng luẩn quẩn thanh khoản sẽ kém.

Trong một báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng, Công ty chứng khoán Yuanta dự báo NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Trong khi đó, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB lại nhận định việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.

Theo ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank, mặt bằng lãi suất cho vay có khả năng tiếp tục giảm thêm 1-1,5%/năm trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh để kích cầu tín dụng, nên cần đến các trợ lực khác, như chính sách tài khóa, chính sách đầu tư… Tuy nhiên với việc giảm lãi suất, một số ngân hàng cũng đã miễn giảm thêm phí dịch vụ, hoặc tăng hạn mức cho vay tín chấp, không tài sản đảm bảo, để có thể thu hút được các khách hàng tốt tới vay vốn.

Theo investing

0865 205 590