Kinh tế thế giới có thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2023?

Theo đánh giá của các nhà kinh tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm trong năm 2023. Các điểm sáng tiềm năng bao gồm giảm lạm phát và cải thiện tâm lý người tiêu dùng.

Tiếp tục đối mặt với những cơn gió nghịch

Kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2022 đầy biến động và thách thức do xung đột giữa Nga và Ukraine , chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và phản ứng chính sách của các nước nhằm đối phó với lạm phát, và dự báo tiếp tục đối mặt với những cơn gió nghịch trong năm 2023.

Dự báo, kinh tế thế giới bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức do tác động kéo dài của các cú sốc bất lợi trong năm vừa qua. Trong năm nay, nhìn chung, rủi ro lớn nhất vẫn là xung đột giữa Nga – Ukraine và hoạt động kinh tế chậm lại do thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát và giá cả hàng hóa có thể giảm do nhu cầu toàn cầu tăng chậm lại.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nhằm tiến tới mở cửa nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023 hoặc năm 2024 dự báo sẽ ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.

Mới đây nhất, hôm 30/1/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu. Theo đó, tổ chức này dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, IMF nhận định, triển vọng kinh tế năm nay sẽ ổn định hơn so với dự đoán trước đây và có thể tránh được suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo IMF, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại là một trong những lý do để triển vọng kinh tế lạc quan hơn. IMF cũng cho biết rằng cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu và sự suy yếu của đồng USD bớt áp lực cho các thị trường mới nổi.

Kinh tế thế giới có thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2023? - Ảnh 2.
Khu tài chính Lujiazui của Pudong ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

IMF cũng lên tiếng cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc, kêu gọi các ngân hàng trung ương tránh bị “cám dỗ” mà thay đổi hướng đi.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas – nhà kinh tế trưởng của IMF – đánh giá áp lực lạm phát đã bắt đầu giảm bớt, nhưng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục nỗ lực.

IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2023 (từ mức 3,4% vào năm ngoái) trước khi tăng trở lại 3,1% vào năm 2024. Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay (giảm từ mức 8,8% vào năm 2022) và sau đó giảm xuống 4,3% vào năm 2024.

Hai kịch bản kinh tế toàn cầu

Ở một góc nhìn khác, Ngân hàng Thế giới (WB) lại cắt giảm lớn đối với triển vọng tăng trưởng năm 2023, và cho rằng toàn cầu đang rất gần với suy thoái.

WB đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 1,7% cho năm 2023 so với dự báo trước đó là 3%.

Tổ chức phát triển quốc tế này đã hạ gần như tất cả các dự báo đối với các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ – hiện dự báo tăng trưởng 0,5% so với dự báo trước đó là 2,4%.

Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 cũng bị hạ từ mức 5,2% xuống còn 4,3%; Nhật Bản từ 1,3% xuống 1%; châu Âu và Trung Á từ 1,5% xuống 0,1%.

Hai kịch bản được đưa ra là: (1) lạm phát giảm dần do nền kinh tế rơi vào suy thoái; (2) tăng trưởng tiếp tục gây ra một đợt tăng giá mới, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất cao hơn.

Trong kịch bản đầu tiên, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, cắt giảm tiêu thụ sản phẩm, tăng hàng tồn kho và hạ giá. Trong kịch bản thứ hai, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nguồn cung tiếp tục thắt chặt và giá cả leo thang, khiến lạm phát tăng nhanh trở lại.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ các ngân hàng trung ương trên thế giới là cần thiết để chế ngự lạm phát, nhưng chúng đã góp phần làm xấu đi đáng kể các điều kiện tài chính toàn cầu, điều này đang gây ra lực cản mạnh đối với các hoạt động kinh tế.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết, một trong những câu hỏi lớn đối với thế giới là: Điều gì gây áp lực lên nhu cầu toàn cầu, điều gì sẽ làm tăng giá hàng hóa. Động thái tăng lãi suất của FED và sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc cũng là vấn đề đáng quan tâm trong năm nay./.

Nguồn: cafef.vn

0865 205 590