Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh
Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này sẽ khiến bức tranh kinh tế mà Fed phải đối mặt trở nên phức tạp hơn.
Từ “hạ cánh mềm” đến “không hạ cánh”
Nước Mỹ dường như đã hướng tới một câu chuyện cổ tích kinh tế kết thúc vào cuối năm 2023. Từ chỗ bùng nổ mạnh mẽ hồi năm 2021, lạm phát đã có sự hạ nhiệt một cách rõ rệt, trong khi tăng trưởng kinh tế dần chậm lại sau một loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này khiến nhiều nhà kinh tế tin rằng, nước Mỹ có thể đạt được “hạ cánh mềm” – tức là vừa kiềm chế được lạm phát, nhưng không dẫn đến nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
Tuy nhiên, năm 2024 đã mang đến nhiều bất ngờ: Nền kinh tế vẫn đang mở rộng một cách mạnh mẽ, số việc làm tăng vượt dự báo và tiến trình hạ nhiệt lạm phát có dấu hiệu chững lại. Tất cả những điều này có thể dẫn đến một kết luận rất khác. Các nhà phân tích ngày càng cảnh giác rằng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ không hạ cánh. Thay vì ổn định, nền kinh tế dường như đang bùng nổ trong khi giá cả tiếp tục tăng nhanh hơn kỳ vọng.
Một kết quả “không hạ cánh” có thể khiến những hộ gia đình Mỹ điển hình cảm thấy hài lòng. Lạm phát đã giảm đáng kể so với mức đỉnh hồi năm 2022, trong khi tiền lương tăng cao và cơ hội việc làm khá phong phú.
Thế nhưng, đây sẽ là vấn đề lớn đối với các quan chức Fed – những người đang quyết tâm đưa lạm phát quay trở về với mục tiêu 2%, một tốc độ chậm và ổn định mà Fed cho là phù hợp với sự ổn định giá cả. Giờ đây, nếu lạm phát bị kẹt ở mức cao trong nhiều tháng liên tục, điều đó có thể khiến các quan chức Fed phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và đảm bảo giá cả được kiểm soát hoàn toàn.
Vào thứ Tư tuần trước (10-4), một báo cáo lạm phát quan trọng cho thấy giá cả tại Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3. Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi (đã loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) trong tháng 3 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau nhiều tháng giảm một cách đều đặn, chỉ số này hiện vẫn đang duy trì ở gần mức 4% kể từ tháng 12 năm ngoái.
Trong khi Fed đang chờ đợi thước đo lạm phát ưa thích – Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), dự kiến công bố vào cuối tháng này, báo cáo CPI mới vẫn là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng, áp lực lạm phát cao tại Mỹ vẫn đang dai dẳng.
Ngoài ra, báo cáo thị trường lao động tháng 3 cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ đã tuyển dụng thêm 303.000 lao động, cao hơn mức dự báo, trong khi tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao.
Những tác động đến lộ trình lãi suất của Fed
Các quan chức Fed bước vào năm 2024 với dự đoán sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong cả năm, qua đó làm giảm chi phí đi vay từ mức 5,3% hiện tại xuống khoảng 4,6%.
Nhưng khi lạm phát và nền kinh tế nói chung cho thấy sức mạnh bền bỉ, các nhà đầu tư đã dần dần điều chỉnh lại số lần cắt giảm lãi suất mà họ mong đợi. Thị trường hiện đang đặt cược lớn vào việc Fed chỉ tiến hành một hoặc hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Các thị trường cũng kỳ vọng vào năm 2025 sẽ có ít đợt cắt giảm hơn so với dự đoán trước đây.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng ngày càng tỏ ra thận trọng khi nói về thời điểm và mức độ họ có thể giảm chi phí đi vay. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ mang lại cho các ngân hàng trung ương khả năng kiên nhẫn trong việc cắt giảm lãi suất. Trong một nền kinh tế mạnh mẽ, sẽ ít có nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái, ngay cả khi Fed giữ chi phí đi vay ở mức cao trong một thời gian dài.
Một số đồng nghiệp của ông Powell thậm chí còn cảnh giác hơn. Neel Kashkari, Chủ tịch Fed Minneapolis, cho biết vẫn có khả năng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Việc chi phí đi vay được giữ ở mức cao sẽ là tin xấu đối với các hộ gia đình đang hy vọng lãi suất thế chấp hoặc thẻ tín dụng sẽ giảm. Điều này cũng có thể gây ra vấn đề chính trị cho Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử vào cuối năm nay, nếu chi phí đi vay đắt đỏ khiến cử tri cảm thấy tồi tệ hơn về thị trường nhà đất và nền kinh tế.
Hôm thứ Tư tuần trước (10-4), ông Biden cho biết, vẫn giữ nguyên dự đoán của mình rằng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay.
Nhiều người theo dõi Fed cho rằng mức lãi suất cao hiện nay có thể duy trì trong thời gian lâu hơn đáng kể so với dự kiến. Nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư trước đây dự kiến việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 6 hoặc tháng 7. Tuy nhiên, sau báo cáo lạm phát công bố hồi tuần trước, các nhà đầu tư ngày càng nghiêng về khả năng việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu từ tháng 9 hoặc muộn hơn.
Và khi khả năng nền kinh tế không hạ cánh trở nên rõ ràng hơn, một số nhà kinh tế và quan chức còn cho rằng động thái tiếp theo của Fed thậm chí có thể là tăng lãi suất chứ không phải giảm lãi suất. Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết, bà tiếp tục nhận thấy rủi ro về việc “Fed có thể cần phải tăng lãi suất chính sách hơn nữa nếu tiến trình kiểm soát lạm phát chững lại hoặc thậm chí đảo ngược”.
Dẫu vậy, chuyên gia Bostjancic cho rằng khó có khả năng Fed tăng lãi suất thêm vào thời điểm này, và hầu hết các quan chức vẫn đang nói về việc cắt giảm. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy rằng lãi suất có thể tiếp tục được duy trì ở mức hiện nay trong một thời gian dài, để nền kinh tế hạ nhiệt, trước khi tính đến chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ.
Phố Wall chuẩn bị cho kịch bản không hạ cánh
Trong 12 tháng qua, giới đầu tư chứng khoán đã liên tục tranh luận về việc liệu chiến dịch tăng lãi suất nhanh chóng của Fed sẽ dẫn đến “hạ cánh cứng” cho nền kinh tế Mỹ (kịch bản lãi suất cao cản trở hoạt động kinh tế và tạo ra suy thoái kinh tế) hay “hạ cánh mềm” (kịch bản lãi suất cao làm chậm nền kinh tế đủ để kiềm chế lạm phát chứ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế).
Trong suốt phần lớn thời gian của năm 2023 và đầu năm 2024, phe “hạ cánh mềm” đã chiếm ưu thế. Đó là lý do tại sao thị trường cổ phiếu luôn ở trạng thái tăng giá toàn diện. Tuy nhiên, theo Morgan Stanley, trong những tuần gần đây kết quả “không hạ cánh” đang dần thu hút được nhiều sự chú ý.
Điều này sẽ dẫn đến một nền kinh tế tiếp tục mở rộng với lạm phát dai dẳng khoảng 3% và Fed vẫn trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Sự xuất hiện của kịch bản này có thể được coi là nguyên nhân gây ra những khó khăn gần đây của thị trường chứng khoán.
Theo Nasdaq, trong tình huống này, một nhóm cổ phiếu cụ thể được dự báo sẽ thắng lớn, đó là các cổ phiếu tăng trưởng.
Các chuyên gia lý giải, trong tình huống kinh tế Mỹ không thể hạ cánh, một cơn gió thuận chiều sẽ xuất hiện trên thị trường chứng khoán, đó là tăng trưởng lợi nhuận. Điều này có nghĩa là, nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mà không bị suy thoái, sự tăng trưởng đó chắc chắn sẽ đổ dồn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Trên thực tế, các khảo sát gần đây cho thấy, ước tính lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc nhóm S&P 500, trong các năm 2024, 2025 và 2026 đã được nâng lên một cách đáng kể. Các nhà phân tích dự đoán rằng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ lần lượt đạt mức tăng 12% trong năm 2025 và 9% vào năm 2026.
Các lĩnh vực có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất hiện nay là cổ phiếu công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, phương tiện truyền thông Internet, phần mềm và thậm chí cả cổ phiếu công nghệ sinh học. Đây sẽ là những cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể cân nhắc, nếu đặt cược vào kịch bản ‘không hạ cánh’ của nền kinh tế.
Theo Vietstock