Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cho rằng GDP quý này có thể tiếp tục giảm, khiến Đức – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – rơi vào suy thoái.
Trong báo cáo hàng tháng công bố hôm 19/2, Bundesbank nhận định kinh tế Đức đang đi xuống, do nhu cầu bên ngoài yếu, người tiêu dùng còn thận trọng và đầu tư trong nước bị kìm hãm vì lãi vay tăng cao.
Quý IV/2023, GDP Đức giảm 0,3% so với quý trước đó. Tính chung cả năm ngoái, quy mô nền kinh tế này giảm 0,3%, trong bối cảnh lạm phát kéo dài, giá năng lượng cao và nhu cầu nước ngoài yếu. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Covid-19, Đức tăng trưởng âm.
“Kinh tế chưa phục hồi, GDP quý này có thể tiếp tục giảm. Nền kinh tế Đức có thể đang suy thoái khi tăng trưởng giảm hai quý liên tiếp”, Bundesbank cho biết trong báo cáo.
Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Cuối tuần trước, họ vượt Nhật Bản để lên vị trí này, sau khi số liệu chính thức cho thấy GDP đạt 4.500 tỷ USD, cao hơn 300 tỷ USD so với Nhật Bản.
Thực tế, nền kinh tế thứ ba thế giới vẫn gặp khó khăn từ đầu 2022 khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, khiến chi phí năng lượng tăng cao. Với nền kinh tế quy mô lớn, phụ thuộc vào các ngành công nghiệp nặng, nước này đã 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm, hoặc không tăng trưởng.
Tình hình tại Đức đang gây sức ép lên cả khu vực đồng euro, và làm dấy lên câu hỏi về tính bền vững của mô hình kinh tế. Giới phân tích cho rằng các ngành công nghiệp nặng phụ thuộc lớn vào nhiên liệu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã lỗi thời. Nước này vì thế cần chuyển dịch mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, chính phủ Đức phủ nhận các dự báo u ám. Họ cho rằng tình hình hiện tại chỉ đơn thuần là tác động tổng hợp của giá năng lượng cao, nhu cầu từ Trung Quốc yếu và lạm phát tăng. Vấn đề của họ không nằm ở chiến lược kinh tế nền tảng.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Christian Lindner, cho rằng nước này “không phải là người ốm của châu Âu” và “chỉ là một người mệt mỏi sau khi thức dậy”.
Dù vậy, Bundesbank cho rằng nền kinh tế sẽ yếu đi trong thời gian dài. Nhu cầu quốc tế đang đi xuống và các đơn hàng tồn cũng giảm nhanh. Các doanh nghiệp cũng trì hoãn đầu tư, một phần vì chi phí đi vay tăng mạnh do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất để ghìm lạm phát.
Lương nhân công tăng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Nhiều cuộc đình công trong các ngành chủ chốt, như giao thông, có thể càng gây sức ép lên doanh nghiệp quý này.