Trong các dự báo giá cuối năm của Goldman, đồng được dự báo ở mức 10.000 USD/tấn, nhôm ở mức 2.600 USD/tấn và vàng ở mức 2.300 USD/ounce. Theo ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS), giá hàng hóa sẽ tăng trong năm 2024 khi các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu chuyển sang hạ lãi suất, giúp hỗ trợ nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng.
Các nhà phân tích gồm Samantha Dart và Daan Struyven cho biết giá nguyên liệu thô có thể tăng 15% vào năm 2024 do chi phí vay giảm, hoạt động sản xuất phục hồi và rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu. Theo Goldman Sachs, các sản phẩm đồng, nhôm, vàng và dầu có thể tăng giá mạnh.
Nhiều hàng hóa đã có mức tăng lớn trong quý đầu tiên của năm 2024, trong đó giá dầu thô tăng mạnh, vàng đạt kỷ lục và đồng chạm mức 9.000 USD/tấn.
Điều này xảy ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách của cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã báo hiệu ý định hạ lãi suất trong năm nay khi lạm phát giảm. Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để hỗ trợ thêm cho sự phục hồi kinh tế đất nước.
Các nhà phân tích cho biết việc cắt giảm lãi suất của Mỹ trong môi trường không suy thoái sẽ dẫn đến giá hàng hóa cao hơn, trong đó giá kim loại (đặc biệt là đồng và vàng) tăng mạnh nhất, tiếp theo là dầu thô. Điều quan trọng là tác động tích cực đến giá cả có xu hướng tăng theo thời gian.
Đầu tháng này, tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie Group Ltd. cho biết hàng hóa đang bước vào một chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung thắt chặt hơn và nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Ông Jeff Currie, trước đây là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman và hiện tại là chuyên gia ở công ty đầu tư toàn cầu Carlyle Group LP, cũng đã dự báo giá tăng khi Fed cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan Chase & Co (NYSE:JPM). nhấn mạnh tiềm năng tăng giá của vàng.
Trong các dự báo giá cuối năm của Goldman, đồng được dự báo ở mức 10.000 USD/tấn, nhôm ở mức 2.600 USD/tấn và vàng ở mức 2.300 USD/ounce.
Theo các chuyên gia, chỉ cách đây vài năm, các nhà phân tích và nhà đầu tư còn bối rối khi bàn tán về một “siêu chu kỳ” mới trong lĩnh vực hàng hóa. Một số người tin rằng thế giới sắp lặp lại đợt tăng giá nguyên liệu thô bắt đầu từ đầu những năm 2000 và kéo dài cho đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Lần này, mối quan ngại là về sự kết hợp của sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, khi phương Tây mở cửa trở lại sau các lệnh phong tỏa liên quan tới đại dịch COVID-19, kết hợp với việc chuyển sang sử dụng năng lượng xanh.
Giá lithium và niken, những kim loại rất quan trọng trong sản xuất pin xe điện (EV), đã bùng nổ vào năm 2021 và 2022, nhưng sau đó đã giảm xuống. Giá niken giảm gần 50% so với thời điểm đầu năm 2023. Chỉ số giá hàng hóa Bloomberg, bao gồm giá thực phẩm, nhiên liệu và kim loại, đã giảm 29% kể từ mức đỉnh vào giữa năm 2022.
Các dự báo về nhu cầu dầu hiện nay cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào các giả định về kế hoạch của chính phủ nhằm giúp người tiêu dùng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lên 106 triệu thùng/ngày vào năm 2028, từ mức 102 triệu thùng/ngày của năm ngoái và nhu dầu cầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh không xa mức đó. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng nhanh hơn gấp đôi trong 5 năm tới, lên 110 triệu thùng/ngày, và sau đó tiếp tục tăng trong ít nhất hai thập kỷ tới.
Theo Người Quan Sát