Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), nền kinh tế Việt Nam vào năm 2028 sẽ có quy mô 726 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,6%/năm. Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đang mất dần và tỷ giá USD ngày 27/4: Tỷ giá trung tâm VND/USD giảm 6 đồng… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Năm ngày 27/4.
-
IMF dự báo Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế thứ 2 ASEAN vào năm 2030
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2023 từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) số liệu kinh tế mới nhất và cập nhật dự báo cho năm 2023. Theo cơ quan này, tới năm 2028, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 726 tỷ USD, đứng thứ 27 trên toàn thế giới, thứ 9 châu Á và thứ 3 trong ASEAN.
Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như trong dự báo của IMF, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế thứ 2 ASEAN vào năm 2030. Vào năm 2028, nước ta có thể đạt mức GDP danh nghĩa cao hơn những cái tên như Argentina, Bỉ, Thụy Điển hay Israel.
Các nhà phân tích của IMF kỳ vọng GDP Việt Nam trong giai đoạn 2023-2028 sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 6,6%/năm, nằm trong top 10 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cao thứ hai châu Á. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn này sẽ cao hơn Philippines, Campuchia (6,1%) và Indonesia (5%), gấp 1,5 lần so với Lào, Malaysia (4,2 và 4,3%), hơn gấp đôi so với Thái Lan (3,25%) và gần gấp ba lần Singapore (2,3%).
Nếu sử dụng GDP ngang giá sức mua (PPP) thì nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vào năm 2026 để nắm giữ vị trí thứ hai ASEAN, với quy mô 1.870 tỷ USD. Đến năm 2028, GDP PPP của nước ta sẽ là 2.210 tỷ USD, đứng thứ 20 trên thế giới, cao hơn nhiều cái tên như Ba Lan (2.190 tỷ USD), Đảo Đài Loan (2.100 tỷ USD), Australia (2.060 tỷ USD) và Iran (2.050 tỷ USD).
Theo kỳ vọng của IMF, nợ công của Việt Nam vào năm 2028 sẽ chỉ còn tương đương 31,3% GDP, giảm mạnh từ mức đỉnh 47,5% của năm 2016. Tỷ lệ nợ công nước ta vào năm 2028 sẽ là thấp nhất trong gần 2 thập kỷ. Đa số các quốc gia trên thế giới cũng được dự báo sẽ giảm nợ công. Tuy nhiên, nợ của Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục đi lên, khiến nợ công toàn cầu gần chạm mức đỉnh trong thời kỳ đại dịch COVID.
-
Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đang mất dần
Trong năm 2022, Trung Quốc đã mất thêm thị phần xuất khẩu sang Mỹ vào tay các nền kinh tế khác cùng trong nhóm 14 quốc gia và vùng lãnh thổ có chi phí thấp (LCC) tại châu Á, theo Nikkei Asia. Điều này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất đang tiếp tục dịch chuyển hoạt động ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhóm 14 LCC châu Á bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Campuchia, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.
Trung Quốc và Hồng Kông chiếm tổng cộng 50,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ của 14 LCC châu Á trong năm 2022. Tỷ lệ này giảm so với mức 53,5% của năm 2021 và tiếp nối xu hướng giảm ghi nhận từ năm 2013.
Báo cáo cũng đề cập tới việc các công ty điện tử tiêu dùng như Apple (NASDAQ:AAPL) và Samsung Electronics dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và Hồng Kông, đồng thời mở rộng sang Việt Nam và Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Để thu hút những doanh nghiệp này, chính phủ của các LCC châu Á cũng đang tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và tung ra ưu đãi để tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp của riêng mình.
Theo một báo cáo vào tháng 5/2022 của Everbright Securities, trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty mở nhà máy tại Việt Nam đã tăng từ 17 vào năm 2018 lên 23 công ty năm 2020, trong đó có 7 công ty Trung Quốc đại lục.
Xu hướng tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực may mặc. Báo cáo của Kearney cho rằng chi phí lao động tăng, các nút thắt trong chuỗi cung ứng và các vấn đề xã hội tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển của ngành may mặc từ đây sang các LCC châu Á khác.
Xu hướng dịch chuyển này giúp các quốc gia ít công nghiệp hóa hơn như Campuchia. Năm 2022, các nhà chức trách Campuchia công bố kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô và điện tử với khoản đầu tư hơn 2 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.
Một số công ty – đặc biệt là những đơn vị muốn tiết kiệm chi phí hậu cần và vận tải nhiều hơn – có xu hướng đa dạng hóa địa bàn sản xuất từ châu Á sang Mexico và Mỹ. Việc đưa sản xuất trở lại Mỹ ngày càng trở nên quan trọng với các doanh nghiệp Mỹ.
Hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát trong gần như tất cả lĩnh vực cho biết có kế hoạch chuyển ít nhất một phần sản xuất trở lại Mỹ trong vòng 3 năm tới. Trong số này bao gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực được hưởng lợi từ Đạo luật Giảm lạm phát cũng như Đạo luật CHIP của Mỹ – hai đạo luật lần lượt hướng tới hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện và bán dẫn.
-
Tỷ giá USD ngày 27/4: Tỷ giá trung tâm VND/USD giảm 6 đồng
Đầu phiên giao dịch, trên thị trường Mỹ, Chỉ số Đô la Mỹ đo lường biến động USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,43%, xuống mốc 101,43. Trên thị trường thế giới hôm nay, tỷ giá đồng bạc xanh giảm. Các đồng tiền khác như Euro, Bảng Anh và Yen Nhật tăng.
Trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND (HM:VND)) và đô la Mỹ (USD) sáng 27/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.639 VND/USD, giảm 6 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 24.819 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.459 VND/USD.
Tại ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng USD đảo chiều giảm, trong khi Nhân dân tệ (NDT) tăng.
Vào 8 giờ 45 phút, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (HM:VCB), giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 23.275 – 23.645 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 5 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Giá đồng NDT được niêm yết ở mức 3.319 – 3.461 VND/NDT (mua vào – bán ra), tăng 2 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Giá đồng USD tại BIDV (HM:BID) được niêm yết ở mức 23.324 – 23.624 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 8 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.334 – 3.435 VND/NDT (mua vào – bán ra), tăng 2 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Theo investing