Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 5 năm tới yếu nhất kể từ năm 1990 vì lãi suất tăng.
Trong bài phát biểu tại Washington hôm 6/4, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới, do lãi suất tăng. Đây là dự báo trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990, và thấp hơn mức trung bình 5 năm trong hai thập kỷ qua là 3,8%.
Riêng với 2023, IMF cho rằng GDP toàn cầu có thể tăng dưới 3%, cao hơn dự báo được tổ chức này đưa ra tháng 1 ở mức 2,9%. Theo IMF, khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến sẽ chứng kiến tăng trưởng năm nay chậm lại do chính sách thắt chặt tiền tệ đè nặng lên nhu cầu và hoạt động kinh tế ở Mỹ và khu vực châu Âu.
Nhưng một số thị trường mới nổi vẫn đang mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến đóng góp một nửa tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp gặp khó do nhu cầu hàng xuất khẩu suy yếu. Nghèo đói gia tăng trong đại dịch vẫn có thể tăng lên.
Theo IMF, bất chấp triển vọng tăng trưởng ảm đạm, các ngân hàng trung ương vẫn phải tăng lãi suất vì lạm phát cao, miễn là không phải chịu nhiều áp lực ổn định tài chính sau những biến động gần đây của ngành ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ.
Nếu hệ thống ngân hàng trở nên bất ổn, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi phức tạp hơn giữa lạm phát và việc bảo vệ hệ thống tài chính,”, bà Georgieva nói.
Cũng theo người đứng đầu IMF, tình trạng phân mảnh thương mại trong dài hạn – bao gồm các hạn chế về di cư, dòng vốn và hợp tác quốc tế – có thể cắt giảm GDP toàn cầu đến 7%, tương đương với GDP hàng năm của Đức và Nhật Bản, hoặc khoảng 7.000 tỷ USD. Ngoài ra, gián đoạn của thương mại công nghệ có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 12% GDP đối với một số quốc gia.
“Lộ trình ít phân mảnh hơn trong nền kinh tế thế giới là điều tốt cho tất cả mọi người”, bà Georgieva nói. Bà cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường chuỗi cung ứng, giảm nợ cho các nước gặp khó khăn và đóng góp quỹ tín thác để hỗ trợ những nước nghèo nhất.
Nguồn Vnexpress.net