Tháng 12/2022 lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đã chính thức vượt qua các kỳ hạn dài. Điều này đã kích thích lượng lớn nhà đầu tư tham gia gửi tiền ở chu kỳ này. Giờ đây, các khoản tiết kiệm này đang sắp đáo hạn, nhưng lãi suất huy động lại giảm sâu.
Theo các thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 9/2022, lãi suất tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng đã liên tục tăng lên. Đến tháng 12/2022, lợi tức tiền gửi 6-12 tháng chính thức vượt các kỳ hạn dài (trên 12 tháng).
Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân ở các ngân hàng thương mại cao nhất ở kỳ hạn 6-12 tháng là 7,6%; kỳ hạn 12-24 tháng là 7,4%; trên 24 tháng là 7,2%. Trên thực tế, ở thời điểm ấy, không ít ngân hàng sẵn sàng chi trả lãi suất tiết kiệm lên đến hơn 10/năm ở các kỳ hạn 6-12 tháng.
Cùng lúc, một lượng lớn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế và dân cư đã ồ ạt đổ vào hệ thống các tổ chức tín dụng để tận dụng lãi cao. Cụ thể, đến cuối tháng 12/2022, tổng tiền gửi của 2 nhóm trên là 11,82 triệu tỷ đồng, tăng gần 226 nghìn tỷ so với tháng trước. Trong đó, có không ít tiền gửi nằm ở kỳ hạn 6 tháng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các khoản tiền gửi kỳ hạn nửa năm với lãi suất cao nói trên đang ở rất gần ngày đáo hạn. Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất của chúng tôi, cuối tháng 5/2023, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn từ 5,5% ở các ngân hàng lớn cho đến quanh 8%/năm ở các ngân hàng nhỏ và có “truyền thống” trả lãi cao – thấp hơn rất nhiều so với lãi suất ở thời điểm trước đó.
Hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi sẽ chảy đi đâu?
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc hội sở công ty chứng khoán Mirae Asset, thời gian vừa qua, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng mạnh nhờ vào sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức kinh tế. Từ đầu năm nay, chỉ số này đã bắt đầu giảm xuống, chủ yếu do lãi suất tiền gửi đã giảm sâu, quay lại ngưỡng trước covid và tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Vừa qua, tình hình kinh tế có phần khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp đã phải đưa thêm tiền vào để gồng gánh hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến tiền gửi của khối tổ chức kinh tế tại các nhà băng đã giảm xuống.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều chính sách kích thích sản xuất kinh doanh đã được tung ra, nhiều dự báo cho thấy tình hình có thể sẽ lạc quan hơn. Vì vậy thời gian tới, có khả năng các khoản tiền gửi tiết kiệm sắp đáo hạn sẽ tiếp tục đi vào hoạt động kinh tế”, ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá.
Với khối cá nhân, không ít nhà đầu tư đã bắt đầu tìm đến các kênh sinh lời tốt hơn. Tuy nhiên, hồi đầu năm nay vì các hoạt động kinh tế chỉ mới ở giai đoạn khởi động, nên dòng tiền vẫn chưa mạnh dạn đi xa khỏi hệ thống ngân hàng. Đối với các sổ tiết kiệm đáo hạn trong vòng 1-2 tháng tới dòng tiền sẽ đổ vào các thị trường có tỷ suất sinh lời cao hơn.
“Lãi suất cao trên 10% đã xuất hiện từ hồi tháng 10-11/2022, các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng gửi trong thời gian đó vừa qua đã đáo hạn. Sau khi tất toán, không ít nhà đầu tư đã có động thái mua lại sổ tiết kiệm lãi suất cao, hay tham gia vào chứng chỉ tiền gửi của ngân ngân hàng.
Điều này chủ yếu do các thị trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa thực sự tích cực và lãi suất huy động ở các nhà băng vẫn khá tốt, nên dòng tiền vẫn ngại đi xa khỏi đây. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác, lợi tức tiền gửi ở các nhà băng đã bắt đầu giảm sâu, trong khi các kênh đầu tư đang ấm dần lên.
Như trên thị trường chứng khoán, trong 1 tháng trở lại đây khối ngoại đã liên tục bán ròng hơn 10.000 tỷ, song chỉ số VN-Index lại không giảm sâu. Mặt khác, khối lượng giao dịch của khối cá nhân lại tăng lên. Tất cả những điều này cho thấy dòng tiền sau khi tất toán sổ tiết kiệm đã bắt đầu tìm đến kênh đầu tư này.
Cập nhật tại nhiều phòng công chứng, lượng người đến giao dịch đang tăng lên. Đây là một trong những chỉ báo cho thấy thị trường bất động sản đã ấm dần lên.”- ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá.
Vị chuyên gia nói thêm, thời gian tới, khi lượng tiền gửi tất toán nhiều hơn, dòng tiền vào thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ nhiều hơn. Trong đó, thị trường cổ phiếu sẽ hút tiền mạnh hơn.
“Thời gian tới, lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ về thấp hơn 7%. Ở thị trường nhà đất, các bất động sản “ngộp” hoặc nhóm có dòng tiền sẽ mang lại lợi tức khoảng 4-5%/năm. Trong khi đó, P/E của VN-Index đang vào khoảng 13 lần, từ đó suy ra lợi tức của thị trường chứng khoán vào khoảng 7,7%.
Ngoài ra, hiện thị trường đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng kênh chứng khoán sẽ hút tiền nhiều hơn”, ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá.
Nguồn Cafef.vn
Xem thêm các tin trong nước tại đây.