Góc nhìn tuần 04 – 08/11: Có thể về lại 1,200?
VPBank (HM:VPB)S hay PHS chỉ ra điều mà không nhà đầu tư nào muốn nghĩ đến ở thời điểm hiện tại, đó là chỉ số VN-Index trong trường hợp xấu nhất có thể giảm về mốc 1,200 điểm.
Lùi sâu thêm
CTCK VPBank (VPBankS): Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục kiểm nghiệm bước đệm gần nhất ở đường MA200 ngày tại 1,250 điểm. Trong kịch bản thận trọng để mất ngưỡng hỗ trợ mạnh này, thị trường có thể lùi về mốc sâu hơn ở 1,200 – 1,210 điểm.
Sớm giảm về 1,200?
CTCK Phú Hưng (PHS): Về mặt kỹ thuật, đồ thị VN-Index có nến giảm đặc trở lại kèm khối lượng tăng, cho thấy áp lực bán mạnh tại vùng cản 1,265-1,275. Tín hiệu này cho khả năng nhịp hồi ngắn tại MA200 đã kết thúc, chỉ số có thể sẽ sớm quay lại xu hướng giảm với mục tiêu ở vùng 1,200-1,220. Chiến lược chung nên duy trì tỷ trọng ở mức thấp, chờ đợi tín hiệu tích cực quanh hỗ trợ để tham gia trở lại.
Có thể sẽ đi ngang
CTCK Thiên Việt (TVS): VN-Index giảm điểm khi nhóm Ngân hàng bị bán ròng. Hiện tại CTCK nhận thấy thị trường có thể tiếp tục đi ngang trong vùng 1,250 – 1,300 với thanh khoản thấp khi VN-Index đang đi vào vùng trống thông tin. TVS sẽ tiếp tục quan sát thị trường và cập nhật quan điểm trong các báo cáo tiếp theo.
Về dưới mốc 1,240?
CTCK Tiên Phong (TPS): Phiên giảm điểm cuối tuần khiến đồ thị tuần báo hiệu những kịch bản xấu có thể xảy ra trong ngắn hạn. VN-Index có thể trượt về vùng kháng cự dưới 1,240 điểm nếu trong tuần tiếp theo, thị trường không thể tạo được nền giá quang ngưỡng 1,260 điểm. Nếu thị trường tiếp tục có xu hướng tạo nền quanh ngưỡng 1,260 điểm, nhà đầu tư có thể mở vị thể mua quanh ngưỡng này. Nhà đầu tư có xu hướng an toàn hơn vẫn cần chờ đợi yếu tố thanh khoản tăng trở lại để xác nhận xu hướng và tham gia thị trường.
Tiếp tục quan sát
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): VN-Index kết phiên 01/11 giảm gần 10 điểm sau khi không thể vượt qua ngưỡng 1,265. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 16/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Hàng cá nhân & gia dụng dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành Hóa chất, Du lịch và giải trí,… Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này tiếp tục bán ròng trên sàn HSX. Trong tuần tới, VN-Index cần sự ủng hộ của dòng tiền để xác nhận một xu hướng rõ ràng hơn.
Chỉ có thể tăng khi vượt 1,265 – 1,270?
CTCK Sài Gòn – Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): VN-Index đã có 8-9 tháng biến động trong biên độ hẹp. Xu hướng tích lũy kéo dài đến nay chưa xác nhận cải thiện. Về điểm số, VN-Index cần giữ được vùng hỗ trợ quan trọng, tâm lý mạnh 1,250+-_đường giá trung bình 200 phiên, vượt lên kháng cự mạnh 1,265-1,270, mới có thể cải thiện.
Trong bối cảnh hiện nay, khoảng trống thông tin sau báo cáo quý 3, bầu cữ Mỹ sắp diễn ra, thanh khoản thị trường kém. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức hợp lý. Tỷ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý 3 tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong cuối năm. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
Rủi ro giảm điểm vẫn còn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Tín hiệu đảo chiều sau khi chạm vùng kháng cự gần với sự xuất hiện của một mẫu nến phân phối đỏ đặc kéo dài, cho thấy rủi ro đang tăng lên. Tuy vậy, hoạt động phân phối ở vùng giá thấp tạm thời vẫn diễn ra trong mức độ kiểm soát khi thanh khoản chưa gia tăng đột biến.
Nhìn chung, lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì có thể giúp hãm lại đà rơi của chỉ số và mang lại cơ hội hồi phục phân hóa đối với một số mã dẫn dắt, nhưng rủi ro xuyên thủng đáy ngắn hạn và tiếp tục xu hướng điều chỉnh của VN-Index cần được lưu ý. Sau khi hạ tỷ trọng nắm giữ về mức an toàn ở vùng kháng cự gần, nhà đầu tư có thể chờ mở lại 1 phần vị thế trading gối đầu tại các vùng hỗ trợ kế tiếp.
Tiếp tục giảm điểm
CTCK Rồng Việt (VDSC): Thị trường tiếp tục thận trọng tại vùng 1,265 điểm và suy yếu trở lại. Thanh khoản tăng so với phiên trước nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá thấp, cho thấy dòng tiền đang thận trọng trước áp lực cung từ vùng cản. Động thái giảm nhẹ dưới 1,255 điểm, cho thấy tác động hỗ trợ tại vùng này đã giảm đáng kể. Có khả năng thị trường sẽ tiếp tục lùi bước trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra lại vùng MA(200), quanh 1,250 điểm. Nếu tác động hỗ trợ tại vùng này vẫn kém thì thị trường có rủi ro lùi về vùng hỗ trợ 1,240 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá lại trạng thái thị trường. Hiện tại cần thận trọng và chờ tín hiệu gia tăng của dòng tiền, đồng thời cần cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro.
Một chút hy vọng
CTCK Asean (Aseansc): Điểm tích cực là mức định giá hấp dẫn với vùng hỗ trợ 1,244 -1,228 điểm sẽ tạo nên vùng mua có vùng đệm an toàn cao khi chỉ số giữ được kênh giá tăng dài hạn. Thanh khoản thu hẹp sau đà điều chỉnh kỳ vọng sẽ nhập cuộc mạnh mẽ hơn trong bối cảnh môi trường kinh doanh cải thiện và sức bán bán giảm dần sau quá trình rung lắc. Xu hướng kênh tăng chính từ tháng 11/2022 được duy trì.
Tuy nhiên, thanh khoản trầm lắng và thiếu vắng động lực kích hoạt lực cầu. Diễn biến tỷ giá chững lại nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng áp lực trong giai đoạn tới tạo nên giai đoạn tâm lý thận trọng và dè dặt.
Cần thêm tín hiệu mạnh mẽ
CTCK Vietcombank (HM:VCB) (VCBS): Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD mới hình thành một đáy nên việc VN Index rung lắc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cả hai chỉ báo RSI và MACD đều ở vùng thấp tạo ra những điểm giải ngân với mức giá chiết khấu và đây có thể là cơ hội đối với nhà đầu tư. Nếu lực cầu có tín hiệu tham gia mạnh mẽ hơn vào tuần sau thì thị trường sẽ hồi phục lại mốc 1,270.
CTCK khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, rà soát lại danh mục cổ phiếu và chỉ duy trì những mã chưa vi phạm ngưỡng cắt lỗ, đồng thời giữ được biên độ sideway, hoặc thậm chí là zig zag đi lên đồng thời thu hút được lực cầu ổn định. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên hạn chế mua đuổi khi chưa có tín hiệu xác nhận rõ ràng về xu hướng của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Theo Vietstock