Về mặt kỹ thuật, các cổ phiếu của Phố Wall có thể đang trong thị trường giá lên, nhưng các nhà đầu tư ETF dường như không muốn nhảy vào.
Theo dữ liệu từ BlackRock, dòng vốn ròng chảy vào các ETF cổ phiếu của Mỹ đã lên tới 22.1 tỷ USD trong tháng 5, mức cao nhất trong năm nay. Tuy nhiên, nếu bỏ qua cổ phiếu công nghệ, dường như các nhà đầu tư ETF có hứng thú lớn hơn đối với các tài sản là cổ phiếu Nhật Bản và vàng.
Karim Chedid, giám đốc chiến lược đầu tư của quỹ iShares thuộc BlackRock, cho biết: “Chủ đề chính hiện nay là dòng vốn đổ vào cổ phiếu Mỹ đã tăng lên, nhưng vẫn chưa đạt đến mức cao nhất mà chúng ta từng thấy trong quá khứ”. Rõ ràng, hứng thú đối với cổ phiếu Mỹ giảm một cách bất thường, mặc dù S&P 500 đã tăng hơn 20% so với đáy được ghi nhận hồi tháng 10/2022.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết họ vẫn dự đoán lợi nhuận sẽ giảm đáng kể trong năm nay, giảm 16% so với năm ngoái, đồng thời cảnh báo rằng thị trường chưa định giá khả năng này.
Trong khi đó, Mark Haefele, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục thận trọng vì không thể biết liệu chúng ta đã qua đáy của thị trường giá xuống hay chưa.
Thomas Mathews, chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics, nói: “Nếu nền kinh tế suy thoái vào cuối năm nay như chúng tôi vẫn dự đoán, thì thị trường cổ phiếu vào thời điểm đó có thể khó khăn hơn rất nhiều”.
Scott Chronert, giám đốc nghiên cứu ETF toàn cầu tại Citigroup, cho biết dòng vốn chảy vào các ETF công nghệ là nhờ câu chuyện về AI. Các nhà đầu tư đặt cược rằng sự phát triển nhanh chóng của AI sẽ mang lại lợi nhuận cho một số ít cổ phiếu công nghệ. Ngược lại, việc dòng vốn tháo chạy khỏi các ETF nhạy cảm với nền kinh tế cho thấy tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế đang lan ra.
Các ETF công nghệ trên toàn cầu đã hút ròng 15.9 tỷ USD trong tháng 5 năm nay, số liệu của BlackRock cho thấy. Ông Chedid cảnh báo rằng con số này đã bị thổi phồng thêm 5.5 tỷ USD do việc phân loại lại một số cổ phiếu công nghệ thành các công ty tài chính.
Tuy nhiên, ngay cả chỉ với 10.4 tỷ USD được rót ròng liên tiếp trong 6 tuần qua, công nghệ vẫn là lĩnh vực đầu tư phổ biến nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Một số người không hào hứng với thị trường cổ phiếu Mỹ lại đang nhìn vào cổ phiếu Nhật Bản. Các ETF tập trung vào cổ phiếu Nhật Bản ở Mỹ và châu Âu đã hút ròng 1.9 tỷ USD trong tháng trước, ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp hút ròng trên 1 tỷ USD và cũng là tháng có mức mua mạnh nhất kể từ năm 2020.
Todd Rosenbluth, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn VettaFi, nói: “Những ETF có tiếp xúc với cổ phiếu Nhật Bản đã trở nên phổ biến khi nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm cổ phiếu có cổ tức cao trên thị trường quốc tế”.
Dữ liệu của ông cho thấy iShares MSCI Japan ETF hút ròng 715 triệu USD trong tháng 05/2023, trong khi WisdomTree Japan Hedge Equity ETF thu hút 240 triệu USD.
Ông Chedid cho biết: “Giao dịch mua cổ phiếu nước ngoài đang tăng lên một cách bất ngờ”. Theo ông, kết quả này một phần là nhờ sự tăng tốc trong chương trình cải cách doanh nghiệp của Nhật Bản. Ngoài ra, ông cũng viện dẫn môi trường kinh tế vĩ mô “thú vị” ở Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng ổn định ngay cả khi thế giới chững lại.
“Họ mở cửa trở lại muộn hơn nhiều so với thế giới, nói cách khác, họ vẫn đang trong xu hướng mở cửa trở lại. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ vẫn đang tăng lên. Lạm phát ở đó cũng tăng lên. Sự kết hợp này thường tốt cho thị trường, và nó không đi theo chu kỳ giống với phần còn lại của thế giới”, ông nói.
Ông dự báo rằng xu hướng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếuNhật Bản sẽ phát triển hơn nữa.
“Dựa trên phân tích của BlackRock về hiệu suất dự kiến đối với cổ phiếu Nhật Bản, một danh mục cổ phiếu toàn cầu tối ưu hóa sẽ có 10.2% tài sản phân bổ cho Nhật Bản. Nhưng tỷ lệ này hiện ở mức 4.8%”, ông Chedid nói.
Các ETF vàng cũng “tỏa sáng”, khi nhà đầu tư rót ròng 1.9 tỷ USD trong tháng 5, nâng tổng số tiền đổ vào kể từ tháng 3 năm nay lên 4.3 tỷ USD. ETF vàng từng không được ưa chuộng trong một thời gian dài, khi nhà đầu tư rút 27.2 tỷ USD trong giai đoạn tháng 04/2022 đến tháng 3 năm nay.
Ông Rosenbluth cho biết ETF vàng là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ, với SPDR Gold Shares tăng thêm 875 triệu USD và SPDR Gold MiniShares Trust là 205 triệu USD.
Việc khủng hoảng trần nợ của Mỹ được giải quyết có thể khiến động lực hỗ trợ cho kim loại quý này giảm bớt phần nào. Ông Chedid tin rằng vẫn có những người mua mặc dù giá vàng đang giao dịch gần mức cao nhất mọi thời đại.
“Tỷ giá thực đã ổn định và nhu cầu vàng vật chất đã phục hồi sau 4 năm yếu ớt do lệnh phong tỏa ở Ấn Độ và Trung Quốc, hai thị trường tiêu thụ lớn nhất. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng đang mua vàng”, ông nói.
Nhìn chung, các ETF đã hút ròng 77.3 tỷ USD ròng trong tháng 05 năm nay, tăng từ 53.5 tỷ USD của tháng trước đó. Dòng vốn đổ vào các ETF cổ phiếu và trái phiếu tăng lần lượt lên 41.8 tỷ USD và 33.1 tỷ USD.