Thị trường phiên giao dịch hôm nay có 3 tin tức đáng chú ý: Phát hành trái phiếu được xem là một trong những kênh quan trọng, mang nhiều lợi thế cho ngân hàng như kỳ hạn huy động vốn dài tạo điều kiện ngân hàng cân đối chỉ số vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn.
Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng thương mại “đóng băng” do vướng các quy định. Thị trường bất động sản Đông Nam Á sẵn sàng phục hồi trong năm 2023? Tỷ giá USD ngày 14/4: Giá USD giảm, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp xu hướng tăng… Dưới đây là nội dung chính các tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Sáu ngày 14/4.
1. Giải pháp gỡ khó cho ngân hàng phát hành trái phiếu?
Thống kê Hiệp hội Thị trường trái phiếu, trong tháng 3/2023, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng, tăng gấp 13,2 lần tổng khối lượng phát hành của tháng 2/2023. Đáng chú ý, hơn 88,6% lượng TPDN phát hành mới là của doanh nghiệp bất động sản (BĐS), trong khi nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục vắng bóng.
Một trong những lý do khiến cho hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng trở nên trầm lắng từ đầu năm đến nay, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), là vướng các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Phát hành trái phiếu được xem là một trong những kênh quan trọng, giúp bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao, người dân có thể thường xuyên rút tiền, có thời điểm ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Chính vì vậy mà hình thức phát hành trái phiếu (với kỳ hạn huy động dài trên 1 năm), ngoài việc tăng quy mô vốn hoạt động còn bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Đây cũng là một trong những kênh quan trọng, mang nhiều lợi thế cho ngân hàng như kỳ hạn huy động vốn dài tạo điều kiện ngân hàng cân đối chỉ số vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn. Chưa kể, trong mấy năm qua, lãi suất phát hành trái phiếu còn thấp hơn lãi suất tiền gửi, qua đó giúp ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, hiện nay, kênh “gọi vốn” này lại đang bị “mắc kẹt”. Trong đó, quy định khi ngân hàng phát hành trái phiếu phải có báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ.
Theo các ngân hàng, quy định này rất khó thực hiện. Bởi đặc thù của ngành ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, dòng tiền lưu thông luân chuyển liên tục, nguồn vốn sau khi được huy động sẽ được hòa lẫn vào tổng nguồn vốn chung để sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.
Do vậy các tổ chức tín dụng (TCTD) không thể phân định tách bạch, có hệ thống theo dõi riêng nguồn tiền huy động từ phát hành trái phiếu hay từ các hoạt động khác được sử dụng cho các khoản vay, đầu tư cụ thể nào và ngược lại các khoản đã cho vay, đầu tư được lấy từ nguồn vốn cụ thể nào của TCTD. Và càng khó khăn hơn khi vốn huy động từ trái phiếu cho vay đối tượng cụ thể được thu nợ trong khi chưa đến kỳ đáo hạn trái phiếu, nguồn vốn đó sẽ quay vòng đầu tư cho các đối tượng khác.
Vậy giải pháp nào thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu, theo đó các chuyên gia đề xuất không nên áp dụng chung quy định phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp và ngân hàng. Bên cạnh đó, mới đây, VNBA đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại Nghị định 65 theo hướng TCTD không phải thực hiện việc báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ, cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới.
Trong thời gian chưa thực hiện kiểm toán được, đề nghị Chính phủ cho phép các TCTD được tạm hoãn thực hiện quy định đến hết ngày 30/6/2023 về việc công bố thông tin định kỳ báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán để các TCTD có thời gian lựa chọn đơn vị kiểm toán.
2. Thị trường bất động sản Đông Nam Á sẵn sàng phục hồi trong năm 2023?
Theo báo cáo Triển vọng Đông Nam Á 2023 của Cushman & Wakefield, Đông Nam Á sẽ là một trong những vùng tăng trưởng hàng đầu của nền kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng trung bình 4,7% vào năm 2023. Động lực chính cho sự phục hồi là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch. Đây được xem là cơ sở thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại diễn ra mạnh mẽ hơn trên khắp các nền kinh tế của Đông Nam Á.
Riêng Việt Nam, vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng ổn định, nhờ vào hiện tượng khu vực hóa thương mại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á gia tăng, càng thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực hậu cần và công nghiệp, văn phòng và nhà ở.
Theo đó, tại TP.HCM, dù có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, song nhu cầu văn phòng tiếp tục khả quan, nhất là các tòa nhà chất lượng cao khu vực trung tâm. Trong khi đó ở Hà Nội, nguồn cung văn phòng tương lai chủ yếu được xây dựng ngoài trung tâm.
Những tòa nhà chất lượng cao sẽ là lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn lớn thuê văn phòng và mở rộng. Tuy nhiên, để lên chiến lược đầu tư tốt nhất, nhà đầu tư nên theo dõi khung pháp lý đang được hoàn thiện và tham gia thị trường thông qua việc liên doanh cùng các nhà phát triển trong nước có uy tín. Ngoài ra, với phân khúc công nghiệp, miền Nam Việt Nam đang được định vị trở thành trung tâm sản xuất mới, vì vậy, mô hình nhà xưởng xây sẵn có thể trở thành loại tài sản ưa chuộng trong thời gian tới.
Riêng bất động sản nhà ở, tại TP.HCM gần đây xuất hiện tình trạng thừa cung, với sự sụt giảm cả về nhu cầu cũng như tâm lý thị trường. Trong khi đó, việc Chính phủ thực hiện kiểm soát tín dụng ngành bất động sản, cùng lãi suất tăng, các vấn đề pháp lý dự án và quy định phát hành trái phiếu thắt chặt là yếu tố khiến thị trường nhà ở Hà Nội dự kiến có tốc độ tăng trưởng chậm trong năm 2023. Mặc dầu vậy, phân khúc đáp ứng nhu cầu nhà ở thực, bao gồm phân khúc trung cấp, cao cấp vẫn tiếp tục đón nhận sự quan tâm lớn trên thị trường.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, hiện nay việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi bất cập về quy định pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ “mở đường” cho sự phục hồi của thị trường Việt Nam. Việt Nam hiện được xem là thị trường ưa chuộng của nhà đầu tư và đã đón nhận các khoản đầu tư ngày càng tăng từ nhiều nhóm đầu tư, tổ chức lớn.
3. Tỷ giá USD ngày 14/4: Giá USD giảm, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp xu hướng tăng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND (HM:VND)) và đô la Mỹ (USD) sáng 14/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.588 VND/USD, giảm 8 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 24.778 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.418 VND/USD.
Sáng nay, tại Vietcombank (HM:VCB), giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 23.245 – 23.615 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 15 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Giá đồng NDT được niêm yết ở mức 3.343 – 3.486 VND/NDT (mua vào – bán ra), không đổi so với hôm qua.
Tương tự, giá đồng USD tại BIDV (HM:BID) được niêm yết ở mức 23.290 – 23.590 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.357 – 3.470 VND/NDT (mua vào – bán ra), tăng 8 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Theo investing