Chỉ số S&P GSCI Commodities Index, một thước đo giá hàng hoá cơ bản toàn cầu, đã giảm 25% trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong đó, giá các kim loại công nghiệp giảm gần 3,8%; giá năng lượng như dầu thô và khí đốt giảm 23%.
Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng cho thấy: giá lương thực cơ bản đã giảm 22% trong vòng 1 năm qua. Trong đó, giá dầu thực vật giảm nhiều nhất, với mức giảm 48%. Giá ngũ cốc như lúa mì và ngô đã giảm 1/4 từ mức cao kỷ lục cách đây 1 năm. Giá kim loại đồng đã chạm mức thấp nhất nửa năm trong tháng 6 vừa rồi, khi các nhà đầu cơ gia tăng các vị thế bán khống – đặt cược vào sự mất giá.
Mối liên hệ giữa giá đồng và kinh tế Trung Quốc
Giới phân tích xem xu hướng trượt dốc của giá hàng hóa cơ bản nói chung là một “điềm xấu” về sức khỏe kinh tế toàn cầu, cho thấy nền kinh tế thế giới đang giảm tốc và có thể rơi vào suy thoái. Giá lương thực đi xuống một phần phản ánh hoạt động xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine được nối lại và điều kiện thời tiết mùa đông không quá khắc nghiệt, nhưng việc giá năng lượng và kim loại công nghiệp trượt dài – điển hình là dầu thô, quặng sắt và đồng – có liên quan nhiều hơn tới sức khỏe kinh tế.
Mối lo này càng có cơ sở khi nền kinh tế Trung Quốc – quốc gia từng được kỳ vọng sẽ giữ vai trò đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu năm nay – đang đuối sức sau một thời gian ngắn phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 hà khắc vào cuối năm ngoái. Trung Quốc gần đây công bố một loạt số liệu kinh tế yếu hơn dự báo. Các nhà phân tích của Ngân hàng Bank of America đã xác nhận rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc không được như kỳ vọng.
Trở lại với Trung Quốc, sự phục hồi chậm hơn dự kiến của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một nguyên nhân quan trọng làm giảm giá các kim loại công nghiệp trong đó có đồng. Ngành xây dựng tiêu thụ 23% kim loại ở Trung Quốc trong năm 2022, do đó, tăng trưởng kinh tế suy yếu và thị trường bất động sản của nước này vẫn chìm trong khủng hoảng đã tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với thép, nhôm và đồng.
Trong một báo cáo, các phân tích của Kpler nói nhiều đến sự mất giá của đồng – kim loại được xem như một “hàn thử biểu” về tình trạng của nền kinh tế, bởi đồng được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện và máy móc công nghiệp. Quý 2 vừa qua, giá đồng giao sau trên sàn giao dịch tương lai ở Thượng Hải đã giảm 2,4%. Nếu tính từ đầu năm, giá đồng giao sau trên sàn COMEX ở New York giảm 1%. Vào tháng 3 năm ngoái, giá đồng đạt mức cao nhất mọi thời đại 10.375 USD/tấn, sau đó sụt giảm và kết thúc năm với mức giảm gần 14%.
Các ngân hàng ở Phố Wall dự báo rằng cuộc khủng hoảng của ngành bất động sản Trung Quốc sẽ kéo dài trong nhiều năm. Trong khi đó, theo ông l’Anson, Chính phủ Trung Quốc không có vẻ gì là sẽ tung ra một gói kích cầu. “Mà cho dù Bắc Kinh có hành động như vậy, gói kích cầu sẽ phải rất lớn để gây ấn tượng với thị trường ở thời điểm này”, vị chuyên gia này nói.
Việc Bắc Kinh chần chừ trong việc đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng mạnh tay cũng khiến giới đầu tư thất vọng, từ đó đặt ra sức ép lớn hơn lên thị trường hàng hóa cơ bản. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs (NYSE:GS) Group gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 6% xuống 5,4%, trên cơ sở cho rằng Bắc Kinh giờ đây đã trở nên thận trọng hơn trước trong việc kích cầu, do dân số suy giảm gây hạn chế nhu cầu nhà ở, mức nợ trong nền kinh tế tăng cao và lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc kiểm soát đầu cơ bất động sản.
Ngoài ra, nguồn cung kim loại tăng góp phần làm giảm giá kim loại. Các nhà cung cấp lớn nhất như Rio Tinto, Vale và Glencore đều tăng cung hàng ra thị trường. Dù vậy, theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ ổn định của giá kim loại vào năm 2023 sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.
Giá các mặt hàng hóa khác cũng giảm mạnh
So với cùng kỳ năm 2022, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London hiện đã giảm khoảng 34%, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, thường gọi là nhóm OPEC+. Trong một báo cáo vào tuần vừa rồi, Morgan Stanley (NYSE:MS) đã cắt giảm dự báo giá dầu, cho rằng thị trường dầu toàn cầu sẽ dư cung trong nửa đầu năm 2024, vì nguồn cung dầu ngoài OPEC sẽ tăng nhanh hơn so với nhu cầu trong năm tới.
Morgan Stanley giảm dự báo giá dầu Brent trong quý 3 năm nay về 75 USD/thùng từ mức 77,5 USD/thùng trước đó và dự báo cho quý 4 về 70 USD/thùng từ 75 USD/thùng. Dự báo giá dầu Brent năm 2024 cũng được Morgan Stanley cắt giảm 5 USD mỗi thùng, còn 70 USD/thùng trong quý 1; 72,5 USD/thùng trong quý 2; 75 USD/thùng trong quý 3; và 80 USD/thùng trong quý 4.
Theo investing