Giá dầu thế giới tăng trở lại tạo nên cơn sốt mới ?

Mặc dù triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, giá dầu thế giới tăng mạnh thời gian gần đây do mối lo về sự thắt chặt nguồn cung trong bối cảnh các nước sản xuất dầu hàng đầu gồm Saudi Arabia và Nga hạn chế sản lượng.

Xu hướng này đặt ra rủi ro lạm phát đảo ngược đà xuống thang, làm khó các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, đồng thời có thể khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia xấu đi.

Trong một báo cáo công bố vào tuần vừa rồi, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 100 USD/thùng vào năm 2024 nếu Saudi Arabia và Nga không kết thúc kế hoạch cắt giảm sản lượng mạnh tay của họ. Trước đó, Riyadh và Moscow tuyên bố sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện của mỗi nước cho tới hết năm nay, thay vì chỉ tới hết tháng 10 như dự báo của thị trường.

RỦI RO LẠM PHÁT TĂNG TRỞ LẠI KHI GIÁ DẦU THẾ GIỚI TĂNG

Kế hoạch của Saudi Arabia là giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày, còn Nga giảm 300.000 thùng/ngày. Các kế hoạch cắt giảm sản lượng này không nằm trong thoả thuận giảm sản lượng kéo dài đến cuối năm 2024 của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga. Sau khi tuyên bố gia hạn kế hoạch sản lượng của Saudi Arabia và Nga được đưa ra, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London – giá tiêu chuẩn của thị trường dầu thô toàn cầu – vượt ngưỡng 90 USD/thùng lần đầu tiên sau 10 tháng.

Từ cuối tháng 6 tới nay, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 20%.

Dự báo mới nhất của Goldman Sachs dựa trên nhận định cho rằng lượng dầu mà Saudi Arabia cung ra thị trường toàn cầu sẽ ít hơn 500.000 thùng/ngày so với dự báo trước đây,  chỉ riêng điều này đã có thể khiến giá dầu tăng thêm 2 USD/thùng.

Ngoài ra, các nhà phân tích của Goldman Sachs cảnh báo một số dự báo cũ về sản lượng dầu của OPEC+ có thể không chính xác nếu liên minh này tiếp tục cắt giảm sản lượng. Trước đây, Goldman Sachs kỳ vọng đến tháng 1/2024, OPEC+ sẽ rút bớt một nửa kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng ngày mà nhóm này đưa ra hồi tháng 4. Nhưng bây giờ, ngân hàng Phố Wall này tính đến khả năng OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch đó lâu hơn.

Trong một kịch bản mà ở đó OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày cho tới hết năm 2024 và Saudi Arabia chỉ tăng dần sản lượng trở lại, Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent có thể đạt mức 107 USD/thùng vào tháng 12/2024.

Tương tự, nhà phân tích hàng hoá cấp cao Nadia Martin Wiggen của Công ty Pareto Securities nhận định giá dầu có thể sớm đạt mốc 100 USD/thùng.

Khả năng xuất hiện một cơn sốt giá dầu mới đã phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu thời gian gần đây. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Eurozone tuy đã giảm nhưng còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương ở đó đề ra, nên việc giá dầu tăng ở thời điểm này đặt ra khả năng lạm phát leo thang trở lại. Trong trường hợp như vậy, các ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn so với dự kiến ban đầu, đặt ra sức ép lớn đối với tăng trưởng kinh tế giữa lúc đà tăng trưởng đuối đi.

“Giá dầu tăng sẽ chỉ làm gia tăng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, nhất là ở Mỹ, để chống lạm phát”, nhà kinh tế Jorge Leon của công ty nghiên cứu Rystad Energy, phát biểu.

Giá dầu thế giới tăng
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.

Giới đầu tư hiện tại gần như tin chắc rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19-20/9/2023, nhưng vẫn tính đến khả năng Fed nâng lãi suất thêm một lần nữa trong cuộc họp tháng 11 hoặc tháng 12. Kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất cũng bị đẩy lùi xa hơn trong năm 2024. Các kỳ vọng này phản ánh qua xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần đây đạt mức cao nhất 16 năm, trong khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD lên cao nhất 10 tháng.

MỐI QUAN HỆ XẤU ĐI GIỮA SAUDI ARABIA VÀ MỸ

Dĩ nhiên, giá dầu cao mang lại lợi ích cho các nước xuất khẩu dầu, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành dầu khí như Saudi Arabia và Nga. Riyadh hiện đang ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách vì các dự án đầu tư lớn nhằm giảm bớt mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu dầu, còn Moscow cũng trong tình trạng thu ngân sách không đủ chi do cuộc chiến tranh với Ukraine.

Giám đốc dầu tư Dan Pickering của Công ty tư vấn Pickering Energy Partners cho rằng Saudi Arabia quyết tâm đưa giá dầu lên cao hơn và đảm bảo giá dầu không giảm nhanh trở lại. “Kế hoạch giảm sản lượng này nói lên một điều rằng họ đang rất nghiêm túc. Mức sàn của giá dầu đang dịch chuyển lên mức cao hơn”, ông Pickering nói.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng việc siết sản lượng dầu quá mức để giá dầu tăng nóng có thể sẽ phản tác dụng đối với các quốc gia này. Theo Goldman Sachs, mức giá dầu ba con số sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng sản lượng. Đồng thời, giá dầu cao cũng gây hiệu ứng hạn chế nhu cầu và thúc đẩy các chương trình đầu tư cho năng lượng sạch. Vì những lý do như vậy, mức giá 100 USD/thùng dầu chưa chắc đã phải là mục tiêu của OPEC+, nhất là Saudi Arabia.

Quốc gia vùng Vịnh là thủ lĩnh không chính thức của nhóm OPEC vốn là một đồng minh thân cận của Mỹ. Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ có phần suy giảm một phần do  Riyadh xích lại gần Moscow để giữ ảnh hưởng đối với thị trường dầu lửa, và đã nhiều lần đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng đi ngược lại mong muốn của Mỹ – quốc gia muốn giữ giá dầu ở mức vừa phải để hạn chế lạm phát.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, đang thể hiện một lập trường cứng rắn hơn trong chính sách dầu lửa của nước này, mặc áp lực từ Washington muốn Riyadh tăng sản lượng dầu.

Nguồn Vneconomy.

Được sưu tầm và biên soạn bởi team FXVIET.COM.VN

Xem thêm các tin tức tài chính thế giới tại đây.

0865 205 590