Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng Biển Đỏ chính là nguyên nhân đẩy giá dầu thế giới lên mức cao hiện nay.
Nếu không có sự gián đoạn trong hoạt động vận tải biển, những yếu tố tác động như kinh tế Trung Quốc – nước mua dầu nhiều nhất thế giới – và sự hoài nghi xung quanh chiến lược của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ kéo giá dầu đi xuống khoảng 2% so với mức giá hiện nay.
Ngày 2/2, giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở ngưỡng 77,33 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) dừng ở ngưỡng 72,28 USD/thùng. Loại trừ yếu tố bất ổn địa chính trị, các nhà quan sát cho rằng giá dầu thực tế lẽ ra chỉ có thể dao động quanh ngưỡng 70 -75 USD/thùng.
Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia cho biết hầu hết các lực đẩy quan trọng của thị trường đều đang kéo giá dầu đi xuống. Nhà phân tích Rebecca Babin, thuộc công ty quản lý tài sản CIBC, nói: “Mặc dù có vẻ như giá dầu không giảm đi đáng kể, nhưng rõ ràng là giá đang bị kìm lại bởi một điểm yếu cơ bản”.
Điểm yếu đó bắt nguồn từ nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc và tình trạng dư thừa dầu trên thị trường, khi các quốc gia ngoài OPEC tiếp tục mở rộng khai thác.
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng 5,2% trong cả năm 2023, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang bộc lộ sự suy giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và đầu tư. Theo chuyên gia Babin, triển vọng nhu cầu yếu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới sẽ là mối đe dọa lớn nhất mà thị trường dầu mỏ thế giới phải đối mặt vào năm 2024.
Hơn nữa, OPEC cũng chính là một lực kéo khác làm hạ giá dầu. Động thái cắt giảm sản lượng của tổ chức này, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, đã không đem lại hiệu quả “kích” giá dầu tăng. Hiện các thị trường đang hoài nghi liệu OPEC có sớm dỡ bỏ các lệnh cắt giảm sản lượng, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn cung dầu ngày càng tăng, do các thành viên ngoài OPEC tăng cường sản lượng khai thác.
Điều này giải thích cho nhận định căng thẳng trên Biển Đỏ chính là nguyên nhân duy nhất đẩy giá dầu tăng. Trong một ghi chú cập nhật ngày 1/2, chuyên gia Babin lý giải nguồn cung dầu đã không giảm đáng kể do leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Do đó, dầu không được định giá dựa trên việc thiếu nguồn cung, nhưng chi phí vận chuyển cao hơn đã hỗ trợ cho giá của mặt hàng này. Ước tính chi phí gia tăng liên quan đến vận chuyển/bảo hiểm quanh khu vực Biển Đỏ tác động lên giá dầu vào khoảng từ 2-3 USD.
Chuyên gia Hunter Kornfeind từ công ty Rapidan Energy cho biết: “Nguồn cung về mặt kỹ thuật vẫn chưa bị gián đoạn. Chính thời gian vận chuyển dài hơn là lý do đẩy giá dầu tăng nhẹ”.
Chuyên gia Babin ước tính, nếu căng thẳng trên Biển Đỏ không sớm chấm dứt, nhiều khả năng giá dầu có thể leo lên mức 90 USD/thùng trong thời gian tới.
Nguồn Cafef.vn