Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những dự đoán lan rộng về tình hình suy thoái mạnh. Kinh tế Mỹ dự đoán tăng trưởng 5% trong quý 3
GDP của Mỹ được dự đoán đạt mức tăng trưởng hàng năm 4% hoặc thậm chí 5% trong quý 3/2023. Được biết, Chính phủ Mỹ sẽ công bố ước tính sơ bộ vào sáng thứ Năm ngày 26/10. Theo tờ The Wall Street Journal, các nhà kinh tế học dự đoán tăng trưởng GDP sẽ đạt 4,7% trong quý 3.
Thậm chí, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global ước tính tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ đạt 5,6%, đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Atlanta GDPNow cũng đưa ra dự đoán là 5,4%.
Sau mức tăng trưởng vững chắc tương đương hơn 2% trong quý 1 và quý 2, nền kinh tế này được dự báo sẽ chậm lại vào cuối năm do lãi suất tăng nhanh.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng chi phí đi vay trong một năm rưỡi qua để cố gắng kiềm chế lạm phát, một chiến lược thường dùng nhưng sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Ở một mức độ nào đó Fed đã thành công. Ví dụ như doanh số bán nhà và xây dựng đã sụt giảm do lãi suất thế chấp cao đạt mức kỷ lục chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng chịu ảnh hưởng khi khách hàng hạn chế mua hàng hóa và các mặt hàng có giá trị lớn.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm xuống 3,7% tính đến tháng 9 từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào năm 2022. Tuy nhiên, chi tiêu và đầu tư vẫn chưa giảm được như mong đợi.
Nguyên nhân là do thị trường lao động vẫn khá khỏe mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức dưới 4%. Hầu hết người Mỹ đều có việc làm và kết quả là họ có thể tiếp tục các khoản chi tiêu như du lịch, giải trí,…
Tuy nhiên, S&P Global ước tính mức chi tiêu tiêu dùng tăng vọt trong quý 3 sẽ chỉ chiếm một nửa so với mức tăng trưởng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp Mỹ được hưởng lợi từ khoản trợ cấp hàng chục tỷ đô la từ chính quyền Biden, nhằm hỗ trợ năng lượng xanh và mang lại nhiều hoạt động sản xuất hơn cho quốc gia. Tiền của chính phủ đã giúp giữ cho các nhà sản xuất không rơi quá sâu. Chi tiêu của chính phủ có thể tăng thêm 0,6 điểm phần trăm vào GDP quý 3.
Thâm hụt thương mại của Mỹ cũng giảm mạnh và có khả năng khiến GDP tăng thêm 1,0 điểm phần trăm trở lên.
Mỹ cảnh giác cơn gió ngược kinh tế vẫn còn tồn tại
Người tiêu dùng Mỹ có lẽ không thể tiếp tục chi tiêu với tốc độ hiện tại, bởi thu nhập lao động không tăng nhanh kịp với tốc độ lạm phát. Các doanh nghiệp đang dần thận trọng vì chi phí vay cao hơn, trong khi đó các ngân hàng tại đây ngày càng gặp tình trạng miễn cưỡng cho vay.
Những hạn chế khác đối với nền kinh tế bao gồm giá xăng và lãi suất dài hạn tăng cao khiến việc mua nhà, ô tô, thiết bị và những thứ tương tự trở nên đắt đỏ hơn nhiều.
Đó là lý do tại sao nhiều nhà dự báo tin rằng nền kinh tế sẽ bắt đầu suy yếu vào những tháng cuối năm 2023. Chẳng hạn, S&P Global đưa ra dự đoán ban đầu rằng mức tăng trưởng GDP sẽ đạt 1,7% trong quý 4 tới đây.
Tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý 3 nhưng điều đó không có nghĩa là nguy cơ xảy ra cuộc suy thoái còn xa. Mỹ thường có tốc độ tăng trưởng nhanh ngay trước khi chạm đáy.
Ví dụ, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,5% ngay trước cuộc Đại suy thoái 2007 – 2009. Tương tự, GDP tại đây đã tăng vọt 4,4% trong quý đầu tiên của năm 1990 chỉ vài tháng trước khi cuộc suy thoái bắt đầu.
Hóa ra, nhiều cơn gió ngược kinh tế tương tự vẫn còn tồn tại, dẫn đến những dự đoán lan rộng của Phố Wall về suy thoái kinh tế hồi đầu năm.
Một số nhà dự báo như Conference Board vẫn khẳng định một cuộc suy thoái ngắn có thể xảy ra vào năm 2024. Các nhà kinh tế khác cũng đang cảnh giác.
Nhà kinh tế trưởng Steve Blitz của TS Lombard cho biết: “Tôi vẫn tin rằng một cuộc suy thoái đang đến – mặc dù ít nghiêm trọng hơn nhiều so với sự kiện 2008 – 2009”.
Theo Người Quan Sát