Theo Reuters, các nước G7 có thể công bố thêm hạn chế với ngành năng lượng và xuất khẩu Nga trong cuộc họp thượng đỉnh tại Nhật Bản tuần này.
Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết các biện pháp mới sẽ được các lãnh đạo G7 đưa ra trong cuộc họp ngày 19-21/5, nhằm vào hoạt động lách trừng phạt liên quan đến nước thứ 3. Họ cũng sẽ tìm cách giảm sản xuất năng lượng của Nga trong tương lai và kiềm chế hoạt động thương mại hỗ trợ quân đội Nga.
Bên cạnh đó, quan chức Mỹ còn kỳ vọng G7 đồng ý điều chỉnh cách tiếp cận với các lệnh trừng phạt. Hiện tại, các nước vẫn xuất khẩu mọi mặt hàng sang Nga trừ khi chúng bị cấm công khai.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó thúc giục các đồng minh G7 đảo ngược cách này. Mỹ muốn hàng hóa sẽ bị cấm xuất khẩu hoàn toàn trước, sau đó mới xem xét có nên miễn trừ hay không. Với cách này, Nga được cho là sẽ khó lách trừng phạt hơn.
Các đồng minh của Mỹ vẫn chưa đồng ý áp dụng lệnh cấm này rộng rãi. Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) có cách tiếp cận riêng và cũng đang thảo luận gói trừng phạt thứ 11 lên Nga. Gói này tập trung vào những cá nhân và quốc gia được tận dụng để lách lệnh hạn chế thương mại hiện tại.
“Cách tiếp cận kiểu ‘cứ cấm hết rồi ra danh sách ngoại lệ sau’ không phù hợp với quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi muốn phải thật chính xác và không có tác dụng phụ không mong muốn”, một quan chức hàng đầu của Đức cho biết trên Reuters.
Vì thế, Mỹ kỳ vọng G7 ít nhất cũng sẽ áp dụng với các lĩnh vực nhạy cảm với hoạt động quân sự của Nga. Chi tiết vẫn đang được thảo luận. Dù vậy, kể cả khi tuyên bố chung của G7 thay đổi và cho phép cách làm của Mỹ, lệnh cấm chưa chắc có hiệu lực ngay lập tức hoặc thay đổi được lập trường của Nga.
Phương Tây đang tìm cách thức mới để siết lệnh trừng phạt lên Nga. Họ đã hạn chế xuất khẩu, siết visa và áp trần giá dầu. Việc này đang gây sức ép lên Nga, nhưng vẫn chưa chấm dứt được xung đột Nga – Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuần này sẽ ở châu Âu gặp Giáo hoàng Francis và lãnh đạo Pháp, Italy, Đức. Ông cũng được kỳ vọng phát biểu tại G7 trong cuộc họp thượng đỉnh ở Hiroshima tuần này.
Tháng trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết nếu G7 cấm xuất khẩu sang nước này, Nga sẽ chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Đây là cửa ngõ xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của Ukraine. An ninh lương thực sau chiến sự cũng được kỳ vọng là chủ đề lớn tại G7 lần này.
Nguồn Vnexpress.net
Xem thêm các tin thế giới tại đây.