Forbes: Ván cược đúng đắn của Samsung tại Việt Nam
Chuyển đến Việt Nam để sản xuất không phải giải pháp nhanh chóng cho chiến lược đa dạng hóa khỏi Trung Quốc, mà nên được xem là một cuộc chơi dài hạn. Câu chuyện của Samsung minh chứng rõ cho điều này.
10 năm trước, trong cuộc trò chuyện bên lề tại trụ sở chính của Samsung ở Suwon, một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng cấp cao chia sẻ với Forbes rằng Samsung đang rục rịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam.
Với Samsung, Trung Quốc, dù là nơi sản xuất với nhiều điều kiện lý tưởng tại thời điểm đó, nhưng không phải câu trả lời cuối cùng cho một chiến lược toàn cầu thành công.
Thay vào đó, họ chọn Việt Nam, một quốc gia cạnh bên Trung Quốc, như một phần của chiến lược toàn cầu và sẵn sàng đặt cược dài hạn vào đất nước hình chữ S. Hiện tại, mọi dấu hiệu đều cho thấy Samsung đã đúng đắn khi đặt cược Việt Nam.
Tại sao phải chuyển sang Việt Nam, trong khi Trung Quốc ở kế bên?
Xét về địa lý, Seoul rất gần với Trung Quốc, vậy tại sao Samsung phải chuyển sản xuất tới Việt Nam? Theo Forbes, Trung Quốc có thể là nơi sở hữu khả năng sản xuất lớn nhất thế giới, song Samsung không muốn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Vì vậy, Samsung đã bắt đầu quá trình chuyển đổi một cách có chiến lược.
Không như Apple (NASDAQ:AAPL) – công ty đặt cược vào các nhà sản xuất Trung Quốc và đã được đền đáp xứng đáng, Samsung luôn muốn sở hữu và tự vận hành nhà máy của chính mình. Điều này có nghĩa là Samsung có thể giải quyết bài toán chi phí/rủi ro phức tạp của việc nâng cao kỹ năng và tự động hóa khi công ty mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra dần dần.
Việt Nam có chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, có khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp linh kiện ở Thâm Quyến. Ngoài ra, các nhà máy ở đây cũng có thể được giám sát tương đối dễ dàng từ trụ sở chính tại Hàn Quốc. Những yếu tố này đã góp phần giúp Samsung tự tin đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.
Một đất nước đang chuyển mình
Trogn khi đó, đất nước hình chữ S cũng đang dần chuyển mình thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Trong 10 năm qua, Việt Nam tham gia ít nhất 7 hiệp định thương mại tự do, khởi đầu là thỏa thuận song phương với Mỹ. Các thỏa thuận này thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc mở rộng mối quan hệ đối tác kinh doanh.
Ngoài ra, nền kinh tế đang lên này cũng chú trọng vào đầu tư vào cơ sở hạ tầng, với các khoản đầu tư vào đường bộ, đường sắt và cảng biển.
Việt Nam còn tập trung vào việc phát triển vào nguồn năng lượng tái tạo ngay khi các thương hiệu toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn về bền vững. Theo Economist, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất năng lượng gió và mặt trời kể từ năm 2019.
Về phần kinh tế, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong quý 1/2023, tăng trưởng GDP ở mức 3.32% và sản xuất công nghiệp giảm 6.3% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu năm 2023.
Trong bối cảnh đó, Samsung vẫn tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong sản xuất bán dẫn cốt lõi và nghiên cứu và phát triển (R&D). Nguyên nhân có thể là vì Samsung đủ kiên nhẫn để nhìn xa hơn giai đoạn sụt giảm ngắn hạn.
Trên thực tế, mùa hè năm 2023 có thể là thời điểm hoàn hảo để Samsung trao đổi với các đại diện phát triển của Việt Nam liên quan tới hoạt động đầu tư. Dell, Google (NASDAQ:GOOGL), Microsoft (NASDAQ:MSFT) và Foxconn đã có mặt ở Việt Nam, cũng như các hãng may mặc hàng đầu như Nike (NYSE:NKE), Adidas (ETR:ADSGN) và North Face.
Chuyển đến Việt Nam để sản xuất không phải là giải pháp nhanh chóng cho chiến lược đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp sẵn sàng cho cuộc chơi dài hạn, họ có thể tiếp nối bước chân của Samsung vào Việt Nam.
Theo Forbes