Fed rục rịch hạ lãi suất, kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ đang đến gần
Nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo như dự kiến, quyết định đó sẽ chính thức đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch chống lạm phát quyết liệt nhất kể từ những năm 1980 tại Mỹ.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần đến hồi kết của thời kỳ lãi suất cao, trong bối cảnh ngân hàng trung ương này tìm cách hạ lãi suất lần đầu tiên sau bốn năm.
Nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 18/9 như dự kiến, quyết định đó sẽ chính thức đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch chống lạm phát quyết liệt nhất kể từ những năm 1980 tại Mỹ. Lãi suất chuẩn của Fed hiện ở mức cao nhất trong 23 năm là 5,25-5,5%.
Giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2025 và 2026. Sự thay đổi đó sẽ lan tỏa khắp nền kinh tế Mỹ bằng cách giúp người Mỹ vay những gì họ cần chi tiêu với mức giá rẻ hơn.
Các doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng vay vốn để cung cấp tài chính cho hoạt động của mình hơn.
Đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell, sự kiện này có thể cho phép ông tuyên bố một thành tựu mà nhiều người tiền nhiệm của ông chưa làm được, bao gồm cả “thần tượng” chống lạm phát của ông là cựu Chủ tịch Paul Volcker.
Ông Powell đã từng bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông Volcker – người đã tăng lãi suất lên tới mức 22% vào những năm 1980 trong nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Nhưng ông Volcker đã không thể giúp nền kinh tế Mỹ tránh khỏi suy thoái, vì lãi suất quá cao đã gây thiệt hại cho hàng triệu người Mỹ và các doanh nghiệp.
Ông Powell đã đối mặt với “khoảnh khắc Volcker” của riêng mình khi một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã xảy ra vào mùa Xuân năm 2023, thử thách khả năng của Fed khi ngân hàng trung ương này nỗ lực xoa dịu sự hoảng loạn của những người gửi tiền trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, hiện thời, trong tầm tay ông Powell là một mục tiêu ít người tiền nhiệm đạt được: Kịch bản nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm.”
Trong kịch bản này, lạm phát sẽ giảm xuống ngưỡng mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái.
Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ tình trạng “hạ nhiệt” của thị trường lao động trở nên xấu đi và kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống, buộc Fed phải hạ lãi suất mạnh tay hơn.
Trong bài phát biểu gần đây nhất tại Jackson Hole, ông Powell đã nói rõ rằng Fed đã sẵn sàng bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Nhưng ông không nói rõ quy mô đợt cắt giảm đầu tiên và liệu nó có chắc chắn diễn ra tại cuộc họp vào tháng Chín hay không.
Hiện tại, các nhà giao dịch đang đặt cược rằng Fed có 65% khả năng hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Chín.
Sau hai năm mạnh tay điều chỉnh chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát phi mã, Fed đã tăng lãi suất lần cuối cùng vào tháng 7/2023 và duy trì nó quanh mức cao nhất trong 22 năm là 5,25-5,5% kể từ đó.
Các nhà đầu tư bắt đầu năm 2024 với suy nghĩ rằng chiến dịch chống lạm phát của Fed đã kết thúc. Họ đã hy vọng sẽ ngân hàng trung ương này sẽ có tới sáu lần điều chỉnh trong cả năm nay.
Điều đó ngay lập tức dẫn đến căng thẳng giữa Fed và Phố Wall. Các quan chức Fed liên tục phản đối những kỳ vọng đó, nói rằng họ cần thấy nhiều tiến triển hơn về lạm phát trước khi sẵn sàng ngừng tăng lãi suất.
Sự thận trọng của Fed dường như là có cơ sở khi lạm phát tăng trở lại trong quý I/2024, khiến các nhà hoạch định chính sách phải điều chỉnh dự đoán số lần hạ lãi suất cả năm xuống chỉ còn một lần.
Tuy nhiên, khi lạm phát tiếp tục giảm trong quý II và tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng cao hơn, một số tiếng nói phê bình Fed đã trở lại. Họ lập luận rằng ngân hàng trung ương đã giữ lãi suất quá cao trong thời gian quá dài và có nguy cơ làm đảo lộn khả năng kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm.”
Ông Alan Blinder, cựu Phó Chủ tịch Fed và giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton, là một trong những người lập luận rằng Fed đã có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Bảy.
Theo ông, ngân hàng trung ương này đã “hơi chậm chân”. Tuy vậy, ông Blinder cho rằng khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ chưa tăng lên, đồng thời lưu ý rằng dữ liệu kinh tế hiện không khác nhiều so với tháng Bảy. Nhưng ông cho biết, thị trường việc làm không thể hạ nhiệt “quá nhiều.”
Các quan chức Fed vẫn tin tưởng rằng kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Khi được hỏi liệu thị trường lao động có thể hạ nhiệt mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái hay không, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic cho hay triển vọng đó là có thể nhưng vẫn cần theo dõi thêm để chắc chắn tình hình đi đúng hướng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông tự tin rằng “hiện tại tình hình vẫn rất ổn”.
Nhìn chung, giới quan sát chỉ ra rằng những tín hiệu về cắt giảm lãi suất của Fed cho thấy họ tin tưởng rằng áp lực lạm phát đã được kiềm chế. Ưu tiên của Fed hiện nay là hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng gần đây dẫn đến lo lắng về khả năng xảy ra suy thoái. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy hoạt động kinh tế gia tăng bằng cách kích thích vay và đầu tư.
Những tín hiệu của Fed cũng được đưa ra vào thời điểm các ngân hàng trung ương khác đang cân nhắc hoặc đã thực hiện hạ lãi suất.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ ba lãi suất chủ chốt 25 điểm cơ bản vào tháng 6/2024, còn Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hạ lãi suất cho vay chuẩn 25 điểm phần trăm vào tháng 8 xuống còn 5% – lần giảm đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các ngân hàng trung ương ở Canada (Ca-na-đa), New Zealand (Niu Di-lân) và Trung Quốc cũng đang nới lỏng chính sách tiền tệ, ngoại trừ Nhật Bản.
Điều này đánh dấu một bước thay đổi trong xu hướng chính sách quốc tế, dù vẫn tồn tại những yếu tố không chắc chắn xung quanh tốc độ và mức độ thay đổi lãi suất trong tương lai của các ngân hàng trung ương này. Sau giai đoạn lãi suất cao kéo dài, kỷ nguyên nới lỏng chính sách tiền tệ mới đang đến gần./.
Theo Vietstock