Việc Silicon Valley Bank bị đóng cửa được coi là tín hiệu cảnh báo về tác động của quá trình Fed nâng lãi hơn một năm qua.
Số liệu việc làm tháng 2 từng làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi thêm 50 điểm cơ bản trong tháng này. Nhưng vụ sụp đổ ngày 10/3 của ngân hàng Silicon Valley Bank có thể khiến họ phải nghĩ lại.
“Các biến động trên thị trường và lĩnh vực ngân hàng sẽ khiến họ nghiêng về khả năng tăng lãi thêm 25 điểm cơ bản”, Stephen Stanley – kinh tế trưởng tại Santander US Capital Markets nhận định, “Ít nhất thì đây cũng là hồi chuông cảnh báo với các nhà hoạch định chính sách, rằng họ đã thắt chặt khá mạnh tay trong năm qua và không phải toàn bộ tác động đều đã biểu hiện ra. Họ từ giờ sẽ phải thận trọng hơn”.
Hôm 10/3, Silicon Valley Bank – ngân hàng chuyên cho vay các startup đã bị giới chức California đóng cửa và chuyển quyền quản lý tài sản cho Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC).
Diễn biến này khiến các thị trường tài chính rối loạn. Các chỉ số chứng khoán Mỹ hôm qua đồng loạt đi xuống. Các tài sản rủi ro khác bị bán tháo. Giới quan sát lo ngại đây có thể là tín hiệu cho các vấn đề lớn hơn. Các ngân hàng Mỹ đang đối mặt với thực tế rằng Fed đã nâng lãi thêm 450 điểm cơ bản trong một năm qua để đối phó lạm phát.
Sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Fed. Khi lãi suất còn quanh 0%, các ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, rủi ro thấp. Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi để đối phó lạm phát, giá trị số trái phiếu này giảm theo, khiến các ngân hàng phải gánh khoản lỗ khổng lồ trên giấy tờ.
Hôm 8/3, SVB Financial Group – công ty mẹ của SVB – thông báo đã bán 21 tỷ USD chứng khoán, lỗ 1,8 tỷ USD. Họ cho biết sẽ phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Thông tin này khiến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoảng loạn và khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi SVB. Làn sóng rút tiền đã khiến SVB không kịp trở tay và sụp đổ.
Matthew Luzzetti – kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Deutsche Bank cho rằng sự sụp đổ của SVB sẽ khiến tình hình tài chính thắt chặt thêm và Fed sẽ phải thận trọng hơn nếu việc này kéo dài.
“Nếu đây chỉ là diễn biến ngắn hạn, nó sẽ không tác động lên chính sách của Fed. Nhưng nếu điều kiện tài chính thắt chặt trong thời gian dài, Fed có thể phải giảm tốc độ nâng lãi”, ông giải thích.
Số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/3 cho thấy nước này tạo thêm 311.000 việc làm mới trong tháng 2, thấp hơn tháng 1. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 3,6%. Mức tăng lương tháng thì chậm nhất trong một năm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần này cho biết Fed có thể nâng lãi lãi lên cao hơn dự kiến. Họ cân nhắc tăng thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng này để ghìm lạm phát. Ông cho rằng thị trường lao động quá nóng là nguyên nhân kéo giá cả lên cao.
Nhà đầu tư hồi đầu tuần đặt cược Fed nâng lãi 50 điểm tháng này. Tuy nhiên, sự cố của SVB đã khiến xác suất này giảm xuống. Nhiều người thậm chí cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất cuối năm nay.
Nguồn Vnexpress.net