Khách hàng ổ ạt rút tiền mặt khiến các nhà băng tại Mỹ lên kế hoạch thắt chặt các điều kiện cho vay. Trong hai báo cáo mới nhất của Fed, cơ quan này đã đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng, cụ thể là giảm hoạt động cho vay, hạ giá tài sản sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và mới đây nhất là First Republic Bank. Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu tín dụng trên diện rộng và làm chậm tốc độ phát triển của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, việc khách hàng ồ ạt rút tiền gửi và e ngại về tổn thất cho vay cũng khiến các ngân hàng khu vực lên kế hoạch thắt chặt tiêu chuẩn cho vay.
Trong thời gian qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã mạnh tay nâng lãi suất cho vay nhằm kiềm chế lạm phát. Chính sách này đã phát huy tác dụng thông qua việc làm tăng chi phí vay tiền của các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời hạn chế các khoản đầu tư và tiêu dùng. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ không muốn tín dụng siết chặt đến mức có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Fed cảnh báo nguy cơ bùng phát khủng hoảng tín dụng
Báo cáo ổn định tài chính mới được công bố của Fed tiết lộ rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng hiện được xếp hạng là một trong những rủi ro hàng đầu, cùng với lạm phát và căng thẳng Mỹ-Trung. Những lo ngại về bất động sản thương mại và nhà ở cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Cũng trong báo cáo ổn định tài chính này, Fed đã bày tỏ các mối quan ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng tín dụng. Cụ thể, bất chấp “các hành động quyết đoán” của giới chức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực gần đây, những lo lắng về “triển vọng kinh tế, chất lượng tín dụng và thanh khoản tài trợ” có thể khiến ngân hàng và các tổ chức tài chính khác tiếp tục cắt giảm nguồn cung tín dụng.
“Việc giảm tín dụng đột ngột như vậy sẽ làm tăng chi phí cấp vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ giảm tốc”, Fed cho biết thêm.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago, Austan Goolsbee cũng khẳng định “một cuộc khủng hoảng hoặc siết chặt tín dụng đã bắt đầu trong lĩnh vực tài chính và suy thoái kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra.”
Nguy cơ khủng hoảng tín dụng được xác định là một trong những rủi ro lớn nhất đối với hệ thống tài chính hiện nay, phản ánh mối lo về tác động kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ngành tài chính Hoa Kỳ đang phải đối mặt với thời điểm hỗn loạn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bên cạnh đó, những lo ngại về việc thu hẹp tín dụng xuất hiện trong bối cảnh Washington có thể sẽ vỡ nợ trong tháng 6 tới. Theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, một vụ vỡ nợ như vậy sẽ gây ra những tác động thảm khốc đối với nền kinh tế và thị trường.
Ngân hàng khu vực thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay
Trong báo cáo Khảo sát ý kiến về ngân hàng cho vay hàng quý được công bố vào ngày 8/5, Fed cho biết các ngân hàng dự kiến sẽ thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, bao gồm giảm bớt quy mô các khoản vay, đồng thời nâng lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2023. Do lo ngại về suy thoái kinh tế và việc khách hàng rút tiền ồ ạt sau sự sụp đổ của SVB.
Chuyên gia kinh tế tại JP Morgan (NYSE:JPM_pj), Michael Feroli cho biết, “việc nhu cầu giảm sút, đặc biệt khi mà chính các ngân hàng công bố số lượng doanh nghiệp nhỏ muốn vay tiền giảm một nửa, mọi chuyện cho thấy bức tranh u ám về triển vọng tín dụng.”
Theo kết quả cuộc khảo sát, các ngân hàng hàng đầu khu vực có giá trị tài sản tối thiểu 250 tỷ USD cho rằng khả năng cho vay chậm lại là do triển vọng kinh tế không chắc chắn. Trong khi đó, các ngân hàng cỡ trung bình, nắm giữ tài sản từ 50 tỷ đến 250 tỷ USD thường xuyên thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay bởi các nhà băng này quan tâm nhiều hơn đến vị thế thanh khoản, dòng tiền gửi ra và chi phí tài trợ.
Để duy trì lượng tiền gửi, một số ngân hàng đã phải đưa ra mức lãi suất cao hơn đối với các tài khoản tiết kiệm, gây ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận. Các ngân hàng cỡ trung bình, nơi có dòng tiền gửi lớn nhất, cũng bày tỏ lo ngại về các quy định chặt chẽ hơn và những thay đổi tiềm ẩn đối với các quy tắc kế toán.
Báo cáo ổn định tài chính của Fed cũng chỉ ra nếu một cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra sẽ kéo theo sụt giảm lợi nhuận và gia tăng khả năng vỡ nợ của các doanh nghiệp, bên cạnh đó là sụt giảm giá trị tài sản khi mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư giảm đi.
Trong lĩnh vực bất động sản thương mại, Fed cho rằng việc điều chỉnh giá trị tài sản có thể dẫn đến tổn thất tín dụng đáng kể cho những người nắm giữ khoản nợ CRE (HM:CRE). Ngân hàng trung ương cũng có kế hoạch giám sát chặt chẽ các khoản vay bất động sản thương mại và mở rộng thủ tục kiểm tra đối với các ngân hàng tập trung nhiều vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Fed cho biết “các cú sốc ít có khả năng lan truyền đến hệ thống tài chính thông qua khu vực hộ gia đình, vì các khoản vay này thường ở mức vừa phải so với thu nhập, và phần lớn khoản nợ hộ gia đình thường rơi vào những người có điểm tín dụng cao hơn”.
Mặc dù bày tỏ lo ngại về khả năng cho vay chậm lại, nhưng Fed cũng khẳng định hầu hết các ngân hàng có thể vượt qua nếu thực hiện chính sách quản lý tiền tệ chặt chẽ hơn.
“Bất chấp căng thẳng ngân hàng trong tháng 3, nhưng phần lớn các ngân hàng đều thể hiện khả năng phục hồi thông qua mức vốn cao và mức độ rủi ro lãi suất vừa phải. Tính đến quý 4 năm 2022, nhìn chung các nhà băng đều có vốn hóa tốt, đặc biệt là các ngân hàng quan trọng trong hệ thống ngân hàng khu vực.”, Fed cho biết.
Theo investing