Nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, một quốc gia đang được các chuyên gia dự báo có thể vượt Đức để trở thành cường quốc kinh tế của châu Âu. Từng bước trở thành người đứng đầu
Trong những năm trước đại dịch, Chính phủ Italy đã quen với việc công bố dự báo tăng trưởng thấp và xếp hạng nợ kém. Nhưng giờ đây, quốc gia này đang nhanh chóng trở thành động lực tăng trưởng của châu Âu.
Theo DW, nền kinh tế Italy ghi nhận mức tăng trưởng 0,6% trong quý vừa qua còn Đức giảm 0,3% trong cùng kỳ. Ngoài dữ liệu của 3 tháng trước, các số liệu khác của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu cũng rất ấn tượng.
Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank, bình luận: “Kinh tế Italy đã tăng trưởng 3,8% kể từ năm 2019”. Con số này gấp đôi kinh tế Pháp và gấp 5 lần kinh tế Đức”.
Ngược lại, ở Đức, triển vọng kinh tế có vẻ ảm đạm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng trưởng trong năm nay của Đức là 0,3% trong khi các chuyên gia hàng đầu của nước này chỉ kỳ vọng mức tăng 0,1%.
Mặt khác, nền kinh tế Italy dự kiến sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, cũng theo OECD.
Thị trường chứng khoán Italy cũng được hưởng lợi từ sự lạc quan của người tiêu dùng. Chỉ số FTSE MIB, bao gồm 40 công ty lớn, đã tăng khoảng 28% trong năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ chỉ số thị trường chứng khoán châu Âu nào khác.
Trợ cấp Nhà nước và nợ mới
Đà tăng trưởng của Italy được cho là chủ yếu dựa vào nợ mới. Khoản nợ mới của Italy trước Covid-19 là 1,5% GDP, đến nửa đầu năm 2023 nó đã đạt mốc 8,3% GDP – một sự nhảy vọt đáng chú ý.
Bên cạnh đó, nợ tổng thể của nước này cũng ghi nhận mức tăng mức. Vào tháng 1, Ủy ban EU ước tính con số này sẽ vượt 140% GDP trong năm nay và tiếp tục tăng vào năm 2025. Được biết tỷ lệ nợ ở Đức hiện là 66%, còn Pháp là gần 100%.
Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ Italy đã tài trợ cho nhiều biện pháp cải tạo nhà cửa khác nhau kể từ cuối năm 2020. Theo đó, họ sẽ trả khoảng 50% chi phí cho một số biện pháp, những công cuộc cải tạo khác thậm chí còn nhận được nhiều hơn.
Nổi bật nhất là phương pháp “Superbonus 110” nhằm tiết kiệm năng lượng. Thông qua chương trình này, bất kỳ ai cải tạo ngôi nhà hoặc căn hộ của mình để tiết kiệm năng lượng hơn sẽ được hoàn trả toàn bộ chi phí cộng với khoản hoàn lại 10% thuộc chương trình giảm thuế.
Chuyên gia kinh tế Krämer cho biết đầu tư xây dựng đã tăng vọt và đóng góp 2/3 mức tăng trưởng hiện tại của Italy.
Tuy nhiên, mọi thứ cũng trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài lạm phát, chương trình còn đẩy chi phí nguyên vật liệu và nhân công lên cao.
Kiến trúc sư Mauro Congedo cho rằng tiền thưởng cho việc cải tạo các tòa nhà tiết kiệm năng lượng nhìn chung là một điều tốt. Nhưng ông đề xuất rằng chủ sở hữu nên đóng góp vào chi phí chứ không chỉ nhận tất cả từ Chính phủ.
Dòng tiền từ EU tiếp tục chảy vào
Vào năm 2023, Chính phủ dần hạn chế chương trình Superbonus và họ chỉ còn phải chịu tối đa 70% chi phí cải tạo. Và đến năm nay là 65% chi phí.
Nhưng các khoản miễn thuế do chương trình này mang lại có thể làm giảm đáng kể nguồn thu của Chính phủ trong vài năm tới.
Dù vậy, nước này vẫn đang nhận được hàng tỷ USD chủ yếu từ Brussels. Thêm vào đó, Italy còn là một trong những quốc gia được hỗ trợ nhiều nhất từ quỹ phục hồi COVID của EU.
Đến năm 2026, gần 200 tỷ euro (216 tỷ USD) sẽ được trả cho Italy dưới hình thức trợ cấp và cho vay.
Ông Krämer nhận định: “Chính phủ phải giảm mức thâm hụt ngân sách ngay tại thời điểm này. Nếu không, kỳ tích tăng trưởng của Italy có thể sẽ kết thúc do họ không tận dụng thời gian để cải cách cơ cấu”.
Theo Người Quan Sát