Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 4,6%. Một số đơn vị cho rằng, mức này có thể đã chạm đáy sau khi nhiều ngân hàng có động thái đảo chiều tăng lãi tiền gửi trở lại và áp lực tỉ giá còn lớn.
Tỉ giá tăng “nóng”, áp lực tăng lãi suất trở lại là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh thời gian qua.
Vậy bộ phận phân tích các công ty chứng khoán dự báo lãi suất sắp tới ra sao?
Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ dậy sóng, lúc nào “lan” sang dân cư?
Trong báo cáo vĩ mô công bố mới đây, đội ngũ phân tích chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn dưới một tháng bất ngờ tăng mạnh vào ngày cuối cùng của tháng 3 sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin tín dụng phục hồi, thoát tăng trưởng âm trong tháng 3.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 0,31% vào ngày 28-3 lên 4,59% vào ngày 3-4 – đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 5-2023.
Gần đây nhất, đến phiên 25-4, lãi suất qua đêm vẫn neo ở mức 4,08% sau khi trải qua nhiều phiên áp sát mức trần 5%.
Chuyên gia TPS nhận định, lãi suất liên ngân hàng tăng lên là do cộng hưởng của nhiều yếu tố. Thứ nhất, nhu cầu vốn tăng khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất và kinh doanh sau kỳ nghỉ lễ Tết.
Thứ hai, xuất khẩu và FDI tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất nên vốn cũng được đưa vào sử dụng nhiều hơn.
Thứ ba, thu nhập ổn định thúc đẩy tiêu dùng và bất động sản phục hồi cũng thúc đẩy cầu về vốn tăng lên.
Ngoài ra theo TPS, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền qua kênh tín phiếu kết hợp thông tin tăng trưởng tín dụng phục hồi đã “đẩy” lãi suất liên ngân hàng.
“Trong thời gian tới, khi nền kinh tế ngày càng phục hồi, thì diễn biến lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ phức tạp hơn. Song Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa để điều tiết lãi suất của kênh này”, chuyên gia TPS nhận định.
Báo cáo của TPS cũng chỉ ra, không chỉ liên ngân hàng, một số nhà băng cũng đã tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm để đón đầu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Ông Đinh Quang Hinh – trưởng bộ phận vĩ mô khối phân tích chứng khoán VNDirect, cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy.
Tính đến ngày 28-3-2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống 4,63%/năm, giảm thêm 0,07 điểm % so với cuối tháng 2 và khoảng 0,31 điểm % so với cuối năm 2023.
“Tốc độ giảm lãi suất huy động chậm lại trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2024 do tỉ giá tăng và áp lực lạm phát quay trở lại”, ông Hinh nói.
Sẽ tăng trở lại nhưng không mạnh ngay trong quý tới
Đầu năm, nhu cầu tín dụng còn yếu nên chưa gây áp lực lên nền lãi suất huy động và cho vay. Tính đến ngày 31-3-2024, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng nhẹ so với đầu năm theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước,
Do vậy, chuyên gia VNDirect cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy nhưng sẽ chưa tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất là trong quý tới, do kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng qua nghiệp vụ thị trường mở trong những phiên giao dịch gần đây khi nhu cầu tín dụng hồi phục trong tháng 3.
Điều này nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt thanh khoản cục bộ trong hệ thống ngân hàng, đồng thời duy trì lãi suất liên ngân hàng ở vùng hợp lý, tránh tăng nóng và tránh gây nhiều áp lực làm tăng lãi suất huy động, cho vay.
Riêng về lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại vẫn còn dư địa giảm thêm (dù không lớn) nhờ đã tiết giảm chi phí vốn sau đợt giảm lãi suất huy động từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, ông Hinh nói.
Bà Bùi Thị Quỳnh Nga, chuyên viên cao cấp phân tích Chứng khoán Phú Hưng, cho biết lãi suất huy động có dấu hiệu rục rich tăng trở lại kể từ đầu tháng 4 ở một vài ngân hàng thương mại đã có mức giảm mạnh trước đó.
“Nhiều kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong giai đoạn gần đây cũng đã khiến người dân chuyển một phần tiền gửi sang vàng, USD”, bà Nga cho biết.
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, mức tăng này chưa mang tính đồng loạt trên thị trường. Bên cạnh những định hướng, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải duy trì lãi suất ở mặt bằng thấp, bản thân chính các hệ thống ngân hàng thương mại cũng muốn đẩy mạnh tín dụng.
Thực tế số liệu tăng trưởng tín dụng quý 1 chỉ ở mức 0,26% – thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Do đó, bà Nga dự báo lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại nhưng mặt bằng bình quân dự kiến vẫn ở mức thấp thời gian tới.
Nguồn tuoitre.vn