Đồng yen tăng giá, gây náo loạn thị trường toàn cầu
Sức bật mạnh mẽ của đồng yen trong tuần qua đã gây những chấn động khắp các thị trường toàn cầu. Tại Nhật Bản, chứng khoán rơi vào vùng điều chỉnh trong khi đó, giá vàng và bitcoin biến động mạnh.
Đồng yen bất ngờ tăng giá khi nhà đầu tư đồng loạt rút lui các vị thế đặt cược đồng tiền này giảm giá vì lo ngại Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Đồng yen tăng giá 2,4% so với đồng đô la Mỹ trong tuần qua và tăng 4,7% trong tháng 7, tính cho đến nay. Hôm 25-7, có thời điểm đồng yen tăng giá hơn 1% lên mức 152,3 yen đổi 1 đô la, cao nhất trong gần 3 tháng.
Cùng ngày, chỉ số Nikkei 225 ở thị trường chứng khoán Tokyo giảm 3,28%, tương đương hơn 1.200 điểm, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4. Cổ phiếu ngành ô tô và bán dẫn, liên quan đến hoạt động xuất khẩu bị bán mạnh nhất. Chỉ số Nikkei 225 đã giảm 10% kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 7, đồng nghĩa bước vào vùng điều chỉnh theo định nghĩa của giới tài chính.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự phục hồi bất ngờ của đồng yen là một phần của nguyên nhân khiến chỉ số này lao dốc, do hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản trở nên đắt hơn trên thị trường quốc tế.
“Xu hướng tăng giá của đồng yen là yếu tố tiêu cực đối với chứng khoán Nhật Bản”, Yutaka Miura, nhà phân tích kỹ thuật cao cấp của Công ty chứng khoán Mizuho Securities nhận định.
Đà tăng giá của đồng yen diễn ra khi nhà đầu tư nhanh chóng thoát khỏi các giao dịch “carry trades” của cặp tiền tệ yen/đô la Mỹ, tức vay đồng yen với lợi suất thấp để mua đồng đô la có lợi suất cao hơn. Các giao dịch tận dụng chênh lệch lợi suất này đã đẩy giá đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm hồi đầu tháng 7. Bằng cách sử dụng đòn đẩy, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận rất lớn nhờ “carry trades”.
Nhà đầu tư buộc phải mua lại đồng yen khi có nhiều dự báo, tại cuộc họp tuần tới, BoJ có thể nâng lãi suất cơ bản từ 0,15% lên 0,25%. Thêm vào đó là triển vọng Mỹ hạ lãi suất vào tháng 9, sẽ khiến chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Nhật Bản giảm xuống.
Theo các nhà phân tích, khi chạy đua cắt lỗ các giao dịch “carry trades”, nhà đầu tư buộc phải bán tháo các tài sản trên các thị trường khác như vàng, bitcoin và cổ phiếu.
Hôm 25-7, giá vàng và bitcoin cùng giảm trong bối cảnh đồng yen tăng giá mạnh. Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giảm 1,36%, xuống mức 2364,25 đô la Mỹ/ounce, mức thấp nhất kể từ 9-7. Giá vàng phục hồi 1% trong phiên giao dịch cuối tuần khi giá đồng yen chững lại và dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ chỉ tăng nhẹ trong tháng 6, mở ra hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Chín tới.
Trong khi đó, giá bitcoin có lúc giảm hơn 3% hôm 25-7. Làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ Mỹ vào cùng ngày trầm trọng hơn do đồng yen tăng giá.
“Thị trường ngoại hối đang tác động đến mọi thị trường khác vì giao dịch “carry trades” bằng cách vay đồng yen là một trong những giao dịch phổ biến nhất trong năm nay. Việc nhà đầu tư cắt giảm vị thế các giao dịch này cũng ảnh hưởng đến các vị thế nắm giữ tài sản rủi ro khác”, Athanasios Vamvakidis, người đứng đầu bộ phận ngoại hối toàn cầu tại ngân hàng Bank of America bình luận.
Trong khi giá yên ổn định vào thứ hôm Sáu thì các nhà giao dịch ngoại hối dự đoán, mức độ biến động của đồng tiền này sẽ tăng lên vào tuần tới khi thị trường tiếp nhận quyết định về lãi suất của BoJ và điều chỉnh vị thế đầu cơ tiền tệ.
Tuy nhiên, những người này cũng cảnh báo, nếu BoJ quyết định giữ nguyên lãi suất, đà tăng giá của đồng yen có thể đảo chiều nhanh chóng.
“Chúng tôi nghĩ rằng đồng yen sẽ trở nên hấp dẫn hơn một chút, vì vậy chúng tôi đã giảm các vị thế bán khống đồng tiền này”, Andreas Koenig, người đứng đầu bộ phận ngoại hối toàn cầu của Amundi SA, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu nói.
Theo Benjamin Shatil, nhà chiến lược ngoại hối của ngân hàng JPMorgan, vẫn còn rất nhiều vị thế bán khống đồng yen trên thị trường. Nếu BoJ tăng lãi suất, nhà đầu tư buộc phải đóng các vị thế này và đẩy đồng yen tăng giá vượt qua ngưỡng 152 yen đổi 1 đô la. Trong trường hợp BoJ giữ nguyên lãi suất, đồng yen sẽ suy yếu trở lại.
Theo Financial Times, Bloomberg