Từ đầu năm 2023 đến nay, đồng Yên đã mất khoảng 13% giá trị so với đồng USD. Tỷ giá Yên/USD hiện đang ở mức 144,834 Yên đổi 1 USD. Trước đó, tỷ giá có lúc vượt mốc 145 Yên đổi 1 USD.
Việc đồng Yên liên tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại phần nào đã tác động đến các doanh nghiệp, do Nhật Bản vốn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam xét trên các tiêu chí tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4. Theo đó, 4 tác động tới kinh tế Việt Nam khi đồng Yên giảm giá mạnh so với USD:
- Nợ công thực của Việt Nam sẽ giảm
- Tác động đáng kể làm tăng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam
- Thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam song song làm giảm hiệu quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật. Tuy nhiên, tác động về thương mại có thể không lớn do vấn đề mấu chốt tại thị trường Nhật Bản là đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng
- Thu nhập thực tế của lao động Việt Nam tại Nhận Bản sẽ giảm
Về tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, việc đồng Yên giảm sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhập khẩu khi họ có thể nhập hàng hóa Nhật với giá rẻ hơn so với trước đây, từ đó gia tăng được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận do hàng hóa bán ở Nhật Bản sẽ thu về ít tiền hơn trước đây đối với các mặt hàng có độ co giãn của cầu theo giá lớn, tức người dân sẽ rất nhạy cảm với việc tăng giá bán và hạn chế mua khi giá tăng.
Còn đối với các hàng hóa thiết yếu và có thể tăng giá được ở Nhật Bản, nhìn chung cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn. Còn với các doanh nghiệp đang vay Yen thì đây là một tin tốt, vì khi đồng Yen giảm giá thì doanh nghiệp cũng sẽ bỏ ít VND (HM:VND) hơn để trả nợ. Nhóm hưởng lợi này chủ yếu là các doanh nghiệp nhiệt điện.
Về vấn đề nợ công, Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam và là chủ nợ song phương lớn nhất tính đến năm 2022 với tổng khoản vay khoảng 274 nghìn tỷ VND. Chính vì thế đồng Yên mất giá cũng làm giảm số nợ này so với trước đây, giúp chúng ta giảm bớt gánh nặng nợ công.
Trước đó, ngày 4/7 Việt Nam – Nhật Bản đã ký kết 3 thỏa thuận vay cho 3 chương trình, dự án với tổng trị giá lên tới gần 61 tỷ Yên. Trong đó, đáng chú ý là Thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hậu Covid-19.
Đây là khoản vay thuộc Chương trình ODA thế hệ mới được triển khai trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản với lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa đồng trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh Thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng triển khai ký kết 2 thỏa thuận vay cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của 2 tỉnh Bình Dương và Lâm Đồng.
Trong đó gồm: Khoản vay cho Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương trị giá 6,3 tỷ Yên được triển khai trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông thông qua việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến Metro; khoản vay cho Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) trị giá 4,7 tỷ Yên có mục tiêu hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.
Với 3 khoản vay được ký kết lần này, Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết đến nay lên tới hơn 2.567 tỷ Yên (tương đương khoảng hơn 23 tỷ USD).
Theo investing