Các chuyên gia của Maybank Investment Bank cho rằng, dù tỷ giá giữa VND (HM:VND) và USD đang có biến động, nhưng hiện vẫn đang lành mạnh và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
* Hàng loạt đồng tiền mạnh tăng giá do ảnh hưởng từ đồng USD
Sau khi giữ ổn định và hầu như đi ngang trong suốt 7 tháng đầu năm nay, tỷ giá VND/USD có xu hướng bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 8/2023 đến nay. Liệu áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây có phải là biến số đáng lo ngại trong những tháng cuối năm?
Chịu áp lực tăng trong ngắn hạn
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS (HN:MBS)), tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong những tuần đầu tháng 8 sau khi giữ ổn định và đi ngang trong tháng 7.
So với cuối tháng 7, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 170 đồng và hiện giao dịch ở mức 23.840 VND/USD. Xét về mặt bằng chung tỷ giá VND/USD tăng 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5/2023.
Ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia Kinh tế trưởng của MBS cho rằng, việc tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm.
Nếu xét các yếu tố áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu, US Dollar Dndex đã tăng lên mức 103 điểm trong 2 tuần đầu tháng 8 sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7. Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD trong 2 tuần đầu tháng 8.
So với đầu năm đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD với mức giao động từ 3-5%. Do đó, VND cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này.
“Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện tại đang là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp,” ông Tuấn đánh giá.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm từ 1,5-2% lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu. Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao.
Cập nhật đến ngày 15/8, lãi suất vay mượn kỳ hạn qua đêm bằng VND chỉ còn 0,22%/năm, trong khi lãi suất cho vay qua đêm bằng USD lần lượt ở mức 5,07%/năm.
Đây là mức chênh lệch rất lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Trước xu hướng đồng USD mạnh lên trong những phiên gần đây, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (HM:SSI) cũng cho rằng, với sự khác biệt lớn giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam và Mỹ thì áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu.
Ngoài ra, đồng VND còn chịu áp lực mang tính mùa vụ từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI. Do đó, áp lực tỷ giá sẽ còn khá cao trong quý III/2023, nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý 4/2023.
Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong những tháng cuối năm
Theo giới phân tích, dù áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu và cần theo dõi sát, song vấn đề này không đáng lo ngại như tình hình cuối năm 2022. Bởi lẽ, đà tăng của đồng USD chỉ mang tính ngắn hạn do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt. Trong khi đó, Việt Nam đang có nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ xuất siêu, FDI, kiều hối…
Tại tọa đàm diễn ra mới đây, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn, nhưng có nhiều khả năng tỷ giá sẽ giữ được ổn định trong năm 2023 và kể cả năm 2024.
Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, đồng USD khó có thể tăng mạnh trong xu hướng đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay. Bên cạnh đó, mặc dù giá hàng hóa thế giới tăng, đặc biệt là giá nguyên liệu, song Bộ Tài chính còn có dư địa hỗ trợ trong việc kiềm chế giá xăng dầu không tăng quá mức.
Trong khi đó, thặng dư thương mại 7 tháng rất lớn đã bổ sung cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế khá tích cực. Đây sẽ là những yếu tố giúp áp lực tỷ giá không còn mạnh thời gian tới.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng, lãi suất tại Việt Nam đã hạ nhiệt nhờ vào việc cắt giảm lãi suất điều hành mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước, trong khi Mỹ và EU vẫn đang tăng lãi suất. Vì vậy, sự chênh lệch (đang dần mở rộng) giữa lãi suất tại Việt Nam và lãi suất tại Mỹ đã tạo áp lực giảm lên tỷ giá giữa VND và USD.
“Thặng dư thương mại cao, kết hợp với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vượt trên 4% GDP trong 7 tháng năm 2023 đã giúp duy trì giá trị của VND. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất VND trong khi duy trì ổn định tỷ giá,” ông Michael Kokalari cho biết.
Các chuyên gia của Maybank Investment Bank cũng cho rằng, dù tỷ giá giữa VND và USD đang có biến động, nhưng hiện vẫn đang lành mạnh và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Với mục tiêu giảm 1-2% mỗi năm và tỷ giá đã đứng yên gần 7 tháng, việc tỷ giá mới chỉ tăng trở lại trong thời gian gần đây chưa gây ra nhiều áp lực đối với việc kiểm soát tỷ giá.
Bên cạnh đó, cả cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lãi hiện tại của Việt Nam vẫn đang duy trì mức thặng dư, do vậy Chính phủ vẫn hoàn toàn có khả năng kiểm soát tỷ giá trong mục tiêu.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của MBS Hoàng Công Tuấn nhận định, mặc dù áp lực lên VND đã tăng, song không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Tuy nhiên, diễn biến gần đây của tỷ giá VND/USD sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Mỹ có động thái hạ lãi suất vào năm sau./.
Theo Vietstock