Đồng USD giảm mạnh nhất trong 2 tháng

Đồng bạc xanh giảm mạnh nhất trong 2 tháng, còn Nhân dân tệ và Yên tăng mạnh trong ngày 11/09 khi Trung Quốc và Nhật Bản báo hiệu sẽ ra động thái để hỗ trợ đồng nội tệ.

Diễn biến trên chấm dứt một trong những chuỗi leo dốc dài nhất của đồng USD trong nhiều năm qua. Trước đó, đồng bạc xanh thu hút dòng tiền vì nền kinh tế Mỹ vững chắc củng cố cho quan điểm Fed sẽ duy trì lãi suất cao hơn so các quốc gia khác.

 

Bất chấp đợt giảm trong ngày 11/09, các chuyên viên phân tích kỳ vọng chênh lệch lãi suất sẽ tiếp tục thúc đẩy đồng USD và tỏ ra cẩn trọng với việc đặt cược ngược với đồng bạc xanh.

“Chừng nào còn sự phân kỳ về chính sách tiền tệ, xu hướng của đồng USD vẫn là đi lên”, Win Thin, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman & Co.  ở New York, chia sẻ. “Can thiệp bằng lời nói và hành động có thể gây ra điều chỉnh tạm thời nhưng không làm thay đổi xu hướng”.

Hiện các trader đang chờ đợi Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ra động thái gì để ngăn chặn đà giảm giá của đồng nội tệ.

Đồng Yên tăng tới 1.3% so với USD và dao động ở mức 145.91 đổi 1 USD, mức mạnh nhất trong gần 2 tháng. Diễn biến tích cực xảy ra sau khi Thống đốc NHTW Nhật Bản Kazuo Ueda đề cập tới khả năng chấm dứt chính sách lãi suất âm. Thông điệp từ ông Ueda cũng đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ tăng 1.2% ở Trung Quốc khi các cơ quan quản lý tài chính của đất nước tỷ dân phát thông điệp sẽ ngăn chặn các diễn biến “một chiều” của đồng Nhân dân tệ. Nhờ đó, đồng nội tệ Trung Quốc thoát đáy 16 năm.

Ngoài ra, việc nhu cầu tín dụng cải thiện và áp lực giảm phát suy giảm cũng góp phần khiến các trader bớt bi quan về đồng tiền của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, chỉ số USD giao ngay của Bloomberg giảm 0.6%, chấm dứt đà tăng kéo dài 8 tuần liên tiếp. Tất cả 16 đồng tiền mà Bloomberg theo dõi đều tăng giá so với USD.

 

Dù vậy, chỉ số đồng USD vẫn không rời quá xa mức đỉnh năm nay và khoảng cách lãi suất vẫn tồn tại.

Trước đó, đồng USD tăng giá nhờ kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao để kìm hãm lạm phát khi nền kinh tế Mỹ vẫn chưa suy yếu như họ kỳ vọng. Trong bối cảnh tăng trưởng suy giảm ở châu Á, châu Âu và lãi suất ở các khu vực này đã giảm, các nhà đầu cơ càng có lý do để chuyển sang Mỹ nhằm tìm kiếm lợi suất cao hơn,

Hiện các trader cũng đang chờ đợi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 13/09. Báo cáo này có thể ảnh hưởng tới lộ trình lãi suất của Fed.

“Hành động bán khống đồng USD rất nguy hiểm khi chúng ta bước vào tuần có dữ liệu kinh tế quan trọng”, ông Thin cho biết.

Ngay cả những ai nghĩ đồng Yên sẽ tăng giá trong trung hạn cũng tỏ ra cẩn trọng. UBS Global Wealth Management dự báo đồng Yên Nhật sẽ trở lại mức 142 đổi 1 USD vào cuối năm, từ mức 146 đổi 1 USD hiện tại. Tuy vậy, công ty này khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào đà tăng của đồng Yên so với Euro hoặc Bảng Anh thay vì cặp tỷ giá Yên-USD. Lý do mà họ đưa ra là vì đồng bạc xanh có thể biến động mạnh vì dữ liệu lạm phát và quyết định của Fed trong ngày 20/09.

“Chúng tôi không khuyến nghị vào thêm vị thế mua ở cặp tỷ giá Yên-USD ngay lúc này”, UBS cho biết.

Ở Trung Quốc, dữ liệu gần đây cho thấy nhu cầu tín dụng đã cải thiện và điều này hỗ trợ cho đồng Nhân dân tệ. Tiffany Wang, Chiến lược gia JPMorgan Chase ở chi nhánh Hồng Kông, vẫn thấy dư địa để Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá so với USD, nhưng cho biết khả năng để đảo ngược xu hướng giảm của Nhân dân tệ là rất khó.

Theo bà, để Nhân dân tệ trở lại đà tăng sẽ cần lượng vốn nước ngoài dồi dào và bền vững, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra.

Bipan Rai, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu tại CIBC, chia sẻ các động thái siết kiểm soát vốn của Trung Quốc “cũng không thể khiến đồng USD giảm một cách bền vững”.

Theo Bloomberg

0865 205 590