Dòng tiền vào TTCK tích cực hơn kỳ vọng? Thị trường 17/7

Thị trường Việt Nam khởi động tuần mới với các tin tức đáng chú ý? Dòng tiền vào TTCK tích cực hơn kỳ vọng? Nâng trần giá vé máy bay: Hàng không và du lịch hưởng lời hay chịu ảnh hưởng gì? BIDV kiến nghị thực hiện chính sách tài khoá mạnh mẽ, tăng vốn cho Big4… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Hai ngày 17/7.

1. Dòng tiền vào TTCK tích cực hơn kỳ vọng?

Thị trường chứng khoán tuần qua vẫn mạnh mẽ đi lên trong sự nghi ngờ. Chỉ số VN-Index nhiều lần giảm mạnh nhưng sau đó hồi phục nhanh chóng và kết thúc tuần vẫn đóng cửa tại mốc 1.168 điểm, tăng đến hơn 30 điểm, tương ứng với tăng 2,67% so với tuần trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc với 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần qua nhờ số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ và áp lực tỷ giá hạ nhiệt. Điều đáng chú ý là thanh khoản vẫn tiếp tục tăng mạnh, với giá trị giao dịch bình quân của ba sàn đạt 21.832 tỉ đồng, tăng 21,7% so với tuần trước, theo VNDirect.

Tuy nhiên, không chỉ có tuần thứ hai trong tháng 7 này mà diễn biến thị trường từ đầu năm năm đến nay đều được đánh giá là rất tích cực. Cụ thể, tính riêng tháng 6, chỉ số VN-Index tăng 4,2% so với tháng 5 và tăng 11,2% kể từ đầu năm. Mức tăng này ghi nhận sự vượt trội so với một số chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á và ngang bằng với chỉ số chung của các thị trường mới nổi.

Thanh khoản toàn thị trường cũng đã cải thiện rõ rệt. Giá trị giao dịch bình quân trên cả ba sàn liên tục gia tăng từ tháng 3, đạt 19.800 tỉ đồng bình quân mỗi phiên trong tháng 6.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành vật liệu, năng lượng và tài chính tăng tốt nhất trong sáu tháng đầu năm và cũng phục hồi mạnh nhất từ vùng đáy. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu của những ngành có các chính sách hỗ trợ riêng, có triển vọng tăng trưởng hay có kết quả kinh doanh ổn định cũng hòa nhịp với xu hướng hồi phục chung của thị trường, theo thống kê từ SSI (HM:SSI).

Đà tăng của thị trường hiện nay phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất lần thứ 4 kể từ tháng Ba. Hoạt động của các nhà đầu tư cá nhân trở lại sôi nổi, một phần có thể thấy từ số lượng tài khoản tăng thêm trong tháng 5 tăng gấp 4,6 lần so với tháng trước. Nhóm này cũng liên tục mua ròng từ giữa tháng 3, trở thành lực đỡ chính của thị trường với tổng giá trị mua ròng là 9.500 tỉ đồng khớp lệnh trong quí 2-2023.

Chính sách tiền tệ đảo chiều được các chuyên gia đánh giá là nguyên nhân chủ yếu giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngoài chuyện lãi suất, thị trường còn nhận được sự ủng hộ từ hàng loạt các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn trong nền kinh tế, được ban hành kể từ tháng 3. Trong số đó, đáng kể là những chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xử lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thúc đẩy tiến độ vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới.

Bức tranh vĩ mô của Việt Nam hiện chịu nhiều áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu trong nước yếu đem lại thách thức lớn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Trong khi đó, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tạo ra như thế nào mới là nền tảng tăng trưởng bền vững cho giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, với các diễn biến gần đây từ thị trường quốc tế cùng nhiều chính sách thúc đẩy phục hồi, các chuyên gia đã bình luận lạc quan hơn về sự phục hồi của kinh tế trong cuối năm nay và năm 2024.

Trong bối cảnh thanh khoản được cải thiện đáng kể, chứng khoán cũng sẽ được củng cố xu hướng tăng khi lợi nhuận các doanh nghiệp hồi phục. Viễn cảnh này trái ngược với diễn biến nửa đầu năm 2023, khi lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết gây thất vọng nhưng được hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất.

2. Nâng trần giá vé máy bay: Hàng không và du lịch hưởng lời hay chịu ảnh hưởng gì?

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư số 17/2019 về khung giá vé máy bay trên các đường bay nội địa. Trong đó, đề xuất điều chỉnh một số đường bay tăng từ 50.000 – 250.000 đồng/vé tuỳ từng chặng bay so với quy định hiện hành.

Giá tour du lịch tăng vọt lên 30%

Trên thực tế, câu chuyện giá trần, giá sàn của ngành hàng không đã gây rất nhiều tranh cãi trước đây, nhưng tại thời điểm này mới thấy giá vé máy bay có thể ảnh hưởng thế nào đến các ngành khác, đặc biệt là du lịch, một cách rõ ràng nhất.

Theo các công ty lữ hành, giá vé máy bay hiện chiếm từ 40 – 60% giá tour trọn gói của họ. Vì vậy, nếu nâng trần giá vé máy bay tại một số chặng, giá tour có thể tăng từ 5 – 30%. Do đó, các doanh nghiệp e ngại khách có thể lựa chọn chuyển sang phương tiện khác hoặc đi những điểm gần hơn, sẽ ảnh hưởng đến du lịch nội địa, trước mắt là các đơn vị cung cấp dịch vụ điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Về mặt tức thời sẽ có ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của các tour du lịch đường bay như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Đặc biệt là chi phí tăng ảnh hưởng tới lượng khách quốc tế sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, về mặt tích cực thì đây là xu thế tất yếu của thị trường cung – cầu, bởi hiện nay các chi phí cũng như tỷ giá biến động, việc tăng trần giá vé máy bay giúp các hãng hàng không “dễ thở hơn” và có thể tồn tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không sẽ có sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ, dịch vụ, mức giá, khi đó khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.

Theo đại diện Công ty du lịch Ceo Tour, bà Lê Thị Minh Thanh, nếu nâng trần giá vé máy bay tại một số chặng, giá tour có thể tăng từ 5 – 30%. “Giá tour có thể tăng từ 100.000 – 500.000/khách. Đây cũng là yếu tố giảm sức mua của khách hàng”.

Trước đề xuất tăng trần giá vé máy bay, các chuyên gia cũng nhận định, sẽ tác động ngay đến chi phí đi lại của người dân, từ đó tác động đến số lượng du khách, doanh nghiệp du lịch sẽ gặp khó khăn trong việc mua vé cho khách của mình cũng như yêu cầu đi lại. Doanh thu của lĩnh vực này có thể bị giảm. Thực tế, điều này đã từng xảy ra vào dịp 30/4 vừa qua khi giá vé máy bay chặng Hà Nội – Phú Quốc; Hà Nội – Nha Trang tăng mạnh, khiến nhiều khách chuyển sang phương tiện khác và địa điểm gần hơn.

Nâng trần sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé?

Theo các chuyên gia, thị trường nội địa vẫn đang được xác định là bệ đỡ cho ngành du lịch trong bối cảnh thu hút khách quốc tế chưa phục hồi bằng thời điểm trước dịch Covid-19. Hơn nữa, năm nay, kinh tế khó khăn, lại thêm giá vé máy bay quá cao, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm chi phí du lịch. Ngành du lịch – vốn được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng quý II gần thấp nhất trong 13 năm qua, sẽ khó đạt được mục tiêu.

Hơn nữa, không phải cứ tăng giá vé máy bay sẽ mang về doanh thu khủng để bù lỗ cho ngành hàng không trong giai đoạn trước. Khi giá vé tăng, khách lựa chọn đi máy bay sẽ giảm thì chính các hãng hàng không cũng đối mặt với khó khăn.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, việc nâng trần sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé. Việc điều chỉnh giá luôn cần được các doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng để không gây ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như mục tiêu đón 102 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm nay.

Hiện nay, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (bao gồm quốc tế và quốc nội) đều được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường…

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho rằng, việc nới giá trần sẽ không thể là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé. Việc này chỉ giúp hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không.

3. BIDV kiến nghị thực hiện chính sách tài khoá mạnh mẽ, tăng vốn cho Big4

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Ngân hàng BIDV (HM:BID) cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều cuộc họp xoay quanh vấn đề phát triển kinh tế, trong đó chú trọng đến hệ thống ngân hàng.

Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã đã đưa ra hàng loạt chính sách từ điều hành thị trường mở, chính sách tỷ giá, 4 lần giảm lãi suất điều hành… Đặc biệt, chỉnh sửa, bổ sung các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mặc dù có nhiều độ trễ nhất định nhưng các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có tác động tích cực, thị trường tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản dồi dào, tỷ giá ổn định, lãi suất được kéo giảm, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tiếp cận lẫn nhau, gia tăng tín dụng, phục vụ hỗ trợ phục hồi kinh tế.

BIDV đã đưa ra nhiều các giải pháp trong 6 tháng đầu năm.

  • BIDV đã rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hoá và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hoá, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức phương tiện điện tử…
  • Nghiên cứu xây dựng cơ chế chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
  • Thút các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay (cả cho vay mới và vay cũ).
  • Phối hợp với Hiệp hội DNNVV triển khai các chương trình kết nối kết hợp tư vấn, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ…

Ông Tú cho biết, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp 0,5 – 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1 – 1,5%/năm. Từ ngày 11/05/2023, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế với mức giảm từ 0,3%/năm – 0,8%/năm.

Bên cạnh đó, BIDV cũng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ NSNN theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Đến ngày 30/06/2023, BIDV đang thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với hàng trăm khách hàng, doanh số cho vay lũy kế là gần 16 nghìn tỷ đồng và dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5 nghìn tỷ đồng.

Triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Đến thời điểm 30/6/2023 dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và văn bản 2308/NHNN-TD của NHNN với quy mô số tiền giải ngân 30.000 tỷ đồng. BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố việc phê duyệt cấp tín dụng đối với 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ vào chương trình.

Tích cực, kịp thời triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay của Chính phủ, NHNN. Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV đã có 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay từ 1,1-1,3%/năm

Về các giải pháp tín dụng trong 06 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch BIDV cho biết ngân hàng sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, tiếp tục đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục ưu tiên tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN; tiếp tục rà soát các quy trình, nghiệp vụ, gia tăng hạn mức công nghệ, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tiếp tục tiết gỉam các chi phí, để giảm thiểu lãi suất cho vay; tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất…

Trên cơ sở trên, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như:

  • Đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn;
  • Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả cung và cầu, thực hiện chính sách tài khoá mạnh mẽ, mở rộng, giảm áp lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho DN triển khai các kế hoạch kinh doanh.
  • Cần tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước.
  • Tăng cường tạo niềm tin thị trường, theo đó tăng cường phổ biến các kiến thức về hoạt động kinh doanh, về tài chính – ngân hàng, để tạo ra sự hiểu biết chung, chia sẻ cơ hội, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các thị trường, các hoạt động đầu tư, mua bán chứng khoán, bảo hiểm.

Theo investing

0865 205 590