Từ 23/8, Vietcombank (HM:VCB), Vietcombank (HM:CTG) và BIDV (HM:BID) đồng loạt giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,8%/năm, thay vì mức 6,3%/năm như trước đó. Đây là lãi suất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại các ngân hàng này.
Lãi suất kỳ hạn 1 và 3 tháng cũng giảm 0,3%/năm xuống mức 3%/năm và 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 4,7%/năm.
Tương tự tại Agribank, lãi suất các kỳ hạn cũng giảm từ 0,3-0,5%/năm. Tuy nhiên mức cao nhất 5,8%/năm chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tại Agribank chỉ còn 5,5%/năm. Kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tương tự 3 ngân hàng trên.
Trước đó, một số ngân hàng như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (HM:EIB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (HM:VIB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (HM:LPB) hay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (HM:ACB) cũng đã giảm sâu lãi suất huy động, xuống thấp hơn cả 4 ngân hàng lớn. Trong đó, lãi suất cao nhất tại Eximbank chỉ còn 5,9%/năm; ACB còn 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại VIB, MB chỉ từ 6-6,1%/năm.
Như vậy sau lần điều chỉnh lần này, lãi suất huy động tại 4 ngân hàng lớn đã trở về mức thấp nhất hệ thống.
So với mức đỉnh từ 9-10%/năm hồi đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm sâu sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đợt điều chỉnh lãi suất huy động lần này nhằm tạo điều kiện giúp các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.
Với xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, nguồn tiền nhàn rỗi không còn dồn về ngân hàng. Theo dữ liệu về tổng phương tiện thanh toán và số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng, tính đến hết tháng 5/2023, tiền gửi của các tổ chức ở mức 5,748 triệu tỷ đồng, giảm 3,45% so với đầu năm.
Những khó khăn về sản xuất – kinh doanh thời gian qua được cho là nguyên nhân chính cho xu hướng giảm này, các doanh nghiệp phải rút tiền gửi tại ngân hàng để xử lý.
Trong khi đó, tiền gửi của người dân vào ngân hàng dù vẫn tăng, nhưng so với các tháng trước, tốc độ tăng có dấu hiệu chững lại. Đến cuối tháng 4/2023, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022. Tháng 5/2023, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (HN:BVS) (BVSC) dự báo lãi suất huy động đã giảm liên tục 5 tháng. Trong tháng 7/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng bình quân là 7% và 6,5%, lần lượt giảm 36 và 31 điểm cơ bản so với tháng trước đó.
Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, số dư tiền gửi khách hàng vào thời điểm cuối quý II/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ đồng so với quý trước.
Theo investing