Đình công ở cảng biển Mỹ đe dọa nền kinh tế, gây tổn thất gần 5 tỷ USD/ngày

Công nhân bốc xếp đồng loạt đình công ở các cảng lớn dọc Bờ Đông và Bờ Vịnh (Gulf Coast) nước Mỹ. Cuộc đình công đầu tiên trong gần 50 năm này có thể gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến ​​sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế.

Bất đồng về tăng lương

Theo Bloomberg, 36 cảng bị đình công có năng lực xử lý tới một nửa khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Mỹ và việc đóng cửa các cảng này khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng container và xe tải lập tức bị tê liệt.

Các mặt hàng năng lượng và hàng rời sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đình công, trong khi đó một số trường hợp ngoại lệ sẽ được cho phép hoạt động, bao gồm vận chuyển hàng hóa quân sự và tàu du lịch.

Tác động nghiêm trọng của việc đóng cửa hoạt động ở các cảng container lớn từ Houston đến Miami và New York-New Jersey phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc đình công. Thiệt hại kinh tế từ việc đóng cửa các cảng, bắt đầu lúc 12:01 sáng ngày 1.10 theo múi giờ miền Đông Bắc Mỹ, sẽ gây ra thiệt hại kinh tế từ 3,8 – 4,5 tỷ USD mỗi ngày, theo ước tính của JPMorgan Chase.

Bà Grace Zwemmer, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Oxford Economics, cảnh báo rằng tình trạng tắc nghẽn vận chuyển do cuộc đình công kéo dài một tuần sẽ cần khoảng một tháng để giải quyết.

Cổ phiếu của hai “ông lớn” vận tải container là A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch và Hapag-Lloyd AG của Đức đã lao dốc trong phiên giao dịch 1.10 sau khi cùng tăng hơn 11% trong tháng 9.

Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế (ILA) đang tìm kiếm mức lương cao hơn cho người lao động và xóa bỏ “ngôn từ về tự động hóa” trong hợp đồng mới với các chủ lao động hàng hải do Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) đại diện. Hợp đồng cũ giữa Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ đã hết hạn vào đêm ngày 30.9.

Chủ tịch Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế, ông Harold Daggett, đã đe dọa sẽ bắt đầu đình công từ ngày 1.10 và kéo dài trong nhiều tháng nếu không đạt được thỏa thuận nào trước thời hạn. Lần cuối cùng công nhân bốc xếp ở các cảng Bờ Đông và Bờ Vịnh tiến hành đình công là vào năm 1977.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đấu tranh lâu nhất có thể, đình công trong bất kỳ khoảng thời gian nào cần thiết”, ông Daggett tuyên bố trên Facebook (NASDAQ:META). Phía Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế cho rằng đề xuất mới nhất từ các chủ lao động hàng hải “không đáp ứng được những gì mà các thành viên cơ sở của ILA đề nghị về mức lương và biện pháp bảo vệ chống lại tự động hóa”.

Các hãng vận tải biển và nhà khai thác cảng biển do Liên minh Hàng hải Mỹ đại diện, đã cáo buộc Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế từ chối đàm phán kể từ khi liên minh này hủy bỏ các cuộc đàm phán vào tháng 6.

Nhà Trắng đã liên lạc với hai bên vào cuối tuần qua và đã đạt được một số tiến triển về tiền lương, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng tranh chấp là do vấn đề thương lượng tập thể và ông sẽ không viện dẫn thẩm quyền của mình theo luật an ninh quốc gia để ra lệnh cho công nhân trở lại cảng trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.

Một công nhân bốc xếp có sáu năm làm việc tại cảng đã kiếm được 39 USD/giờ tính đến lúc cuối hợp đồng giữa Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ. Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế đã đề nghị tăng lương 5 USD/giờ mỗi năm trong hợp đồng mới kéo dài 6 năm, tương đương với mức tăng gần 80% so với hợp đồng vừa hết hạn, theo một người thạo tin chia sẻ với Bloomberg.

Trong khi đó, Liên minh Hàng hải Mỹ ban đầu đề nghị tăng lương 2,50 USD/giờ mỗi năm của hợp đồng mới, tức là tăng gần 40%.

Thế nhưng, sau khi được triệu tập đến Nhà Trắng vào ngày 27.9 và ngày 30.9, các nhà tuyển dụng cho biết họ đã đưa ra một đề nghị mới cho Liên minh Hàng hải Mỹ, bao gồm mức tăng tiền công bốc dỡ gần 50% trong thời hạn hợp đồng, cùng với các chế độ chăm sóc sức khỏe và hưu trí bổ sung.

Tuy nhiên, đề nghị này đã bị phía Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế bác bỏ.

Các công ty thương mại, vận tải và bán lẻ đã thúc giục Nhà Trắng can thiệp để hạn chế thiệt hại từ cuộc đình công. Các hãng vận tải container đang chuẩn bị thu phụ phí liên quan đến sự gián đoạn cảng biển, làm tăng tổng chi phí vận chuyển.

Khiến GDP Mỹ tổn thất tới 5 tỷ USD/ngày

“Sẽ là vô tâm nếu để một tranh chấp hợp đồng gây ra cú sốc như vậy đến nền kinh tế của chúng ta”, bà Suzanne Clark, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, viết trong lá thư gửi Tổng thống Biden ngày 1.10.

“Taft–Hartley (Đạo luật quan hệ quản lý lao động năm 1947 – BTV) sẽ cho cả hai bên thời gian đàm phán để đạt được thỏa thuận về một hợp đồng lao động mới”, bà Clark viết, đồng thời ám chỉ đến quy định cho phép Tổng thống Mỹ can thiệp vào các tranh chấp lao động liên quan đến an ninh quốc gia theo đạo luật Taft–Hartley.

Theo ước tính từ Hiệp hội các nhà sản xuất chế tạo quốc gia (NAM), cuộc đình công gây tổn thất 2,1 tỷ USD giao dịch thương mại mỗi ngày và tổng thiệt hại kinh tế là GDP của Mỹ có thể bị kéo giảm tới 5 tỷ USD mỗi ngày.

Ông Jay Timmons, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất chế tạo quốc gia, đã kêu gọi Tổng thống Biden hành động để nối lại hoạt động ở các cảng trong khi các cuộc đàm phán vẫn phải tiếp tục.

Theo investing

0865 205 590