Trong tuần này, cả thế giới sẽ dõi theo hội nghị thường niên quan trọng của NATO, diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7 tại Vilnius, thủ đô của Litva NATO sẽ tổ chức hội nghị thường niên tại Litva vào ngày 11-12/7/2023 Dự kiến, cuộc chiến Ukraine, tư cách thành viên tiềm năng của Thụy Điển và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này.
Tương tự, hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 ở Hiroshima, Nhật Bản, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ thu hút sự chú ý nếu ông đích thân tham dự vào hội nghị thượng đỉnh của NATO.
Giới quan sát nhận định, một trong những chủ đề sẽ chiếm được nhiều sự quan tâm là sự trỗi dậy của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được biết đến là Đối tác châu Á-Thái Bình Dương (AP4) của NATO. Nikkei Asia trích dẫn các nguồn tin từ các quan chức tham gia chuẩn bị cho hội nghị, rất có thể trong tuyên bố chung của NATO, tên gọi này sẽ được chuyển thành Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 4 (IP4).
Giống như hội nghị thượng đỉnh năm ngoái tại Madrid, các nhà lãnh đạo của bốn quốc gia này sẽ tham dự hội nghị tại Litva để nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng sâu sắc của họ.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo khối sẽ thảo luận động thái mang tính biểu tượng mà Tổng thư ký Jens Stoltenberg đang theo đuổi là mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo, văn phòng đầu tiên của khối ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Pháp đã công khai phản đối văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo và muốn tránh điều mà họ cho là căng thẳng không cần thiết với Bắc Kinh. Các nguồn tin cho biết việc đề cập đến địa điểm Tokyo vẫn còn trong bản dự thảo của tuyên bố chung của NATO.
Một chủ đề khác cũng sẽ được lưu ý là NATO đang chuẩn bị Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng (ITPP) với từng nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Trong trường hợp của Nhật Bản, ITPP bao gồm hơn 10 lĩnh vực, chẳng hạn như hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, các mối đe dọa hỗn hợp, không gian mạng, các công nghệ mới nổi và đột phá. ITPP Nhật Bản-NATO đã được soạn thảo và đang được gửi đến các thành viên NATO để lấy ý kiến.
Bằng cách tạo ra một “điểm tựa” ở cả hai phía của Á-Âu, NATO và IP4 hy vọng sẽ ngăn chặn những thách thức mà các đối thủ nặng ký của Á-Âu là Nga và Trung Quốc đặt ra.
Nhưng có thể có nhiều lý do tại sao NATO muốn tham gia với IP4. Một quan chức quốc phòng hàng đầu của Nhật Bản nói với Nikkei Asia: “Các thành viên châu Âu của NATO không muốn Mỹ xoay trục hoàn toàn sang châu Á. Hải quân Hoa Kỳ hiện có 60% số tàu của họ ở khu vực Thái Bình Dương. NATO không muốn con số đó lên tới 70%”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg Ngoài ra, các quốc gia NATO cũng đang gặp bế tắc trong việc tìm kiếm người thay thế ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO đương nhiệm, người sẽ mãn nhiệm vào mùa thu này. Nhiều chuyên gia cho rằng, ứng viên chức Tổng thư ký NATO phải có khả năng xây dựng thành công của NATO theo hướng tích cực, chẳng hạn như tăng tài trợ quân sự, thể hiện sự sẵn sàng triển khai quân đội để bảo vệ các nước NATO và duy trì một cách tiếp cận thống nhất khi giải quyết các vấn đề an ninh xuyên quốc gia.
Ông John Weaver, Phó giáo sư phân tích tình báo tại Đại học York của Pennsylvania nhận định, cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn và an ninh châu Âu vẫn được đặt lên hàng đầu, và điều này cũng sẽ được thảo luận ở Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới.
Dự kiến các quyết định của NATO sẽ được đưa ra liên quan đến hỗ trợ vật chất, bao gồm viện trợ sát thương và không sát thương, tài trợ, hỗ trợ tình báo và đào tạo binh lính cho Ukraine. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo NATO cũng phải duy trì cam kết tăng cường sự hiện diện dọc theo sườn phía Đông của liên minh.
“NATO nên bắt đầu thảo luận nghiêm túc về một nhà lãnh đạo có khả năng để thay thế ông Stoltenberg vào năm tới. An ninh ở Ukraine và rộng ra là Đông Âu vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Liên minh có thể hưởng lợi từ việc mở rộng thành viên để bao gồm cả Thụy Điển và giải quyết tác động của việc Nga rút khỏi hiệp ước START mới”, chuyên gia Weaver đánh giá.