Chứng khoán hiện là một trong những kênh đầu tư tài chính chính thống, hấp dẫn nhà đầu tư vì có mức sinh lời cao. Tuy vậy, không phải ai cũng thích hợp với kênh đầu tư cần nhiều kiến thức, kỹ năng này.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Minh Chánh – sáng lập và Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, đồng thời là tác giả và chuyên gia tài chính cá nhân – về những vấn đề của kênh đầu tư này.
Phóng viên: Mọi người nên mở tài khoản chứng khoán như tài khoản ngân hàng?
– Ông LÂM MINH CHÁNH: Không nên như thế. Bởi, các sản phẩm ngân hàng rất dễ hiểu và rủi ro cũng thấp, trong khi chứng khoán thì khó hiểu, phức tạp và rủi ro cao. Ở các nước phát triển, tỉ lệ người dân tham gia đầu tư chứng khoán rất cao nhưng họ tham gia thông qua các quỹ đầu tư, các tổ chức chuyên nghiệp. Giá trị giao dịch chứng khoán trực tiếp của nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 20% – 40%, tùy nước.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tỉ lệ giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân đang chiếm đến 80% – 90% giá trị giao dịch của thị trường. Đây là tỉ lệ quá cao. Và đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thường biến động lớn. Khi nhà đầu tư lạc quan thì chỉ số, giá chứng khoán tăng quá cao và ngược lại, khi nhà đầu tư bi quan thì chỉ số, giá chứng khoán giảm rất mạnh.
ông Lâm Minh Chánh – sáng lập và Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni
Theo tôi, người dân Việt Nam cần tham gia đầu tư chứng khoán nhiều hơn nữa nhưng nên thông qua các chứng chỉ quỹ đầu tư. Điều này vừa tốt cho thị trường vừa tốt cho nhà đầu tư.
Nếu nhà đầu tư cá nhân muốn tự mình đầu tư thì họ nên lưu ý gì?
Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải hiểu rõ bản chất của thị trường và sản phẩm họ đầu tư, hiểu rõ về sự khác biệt giữa giá trị và giá, hiểu tại sao giá lên và giá xuống.
Nếu đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư cần phải học rất nhiều thứ, về phân tích kỹ thuật, về xu hướng, về các con sóng, về sự phản ứng và phản ứng thái quá, sự điều chỉnh và điều chỉnh thái quá của thị trường… Nhà đầu tư cũng cần học về cách đọc thị trường, học về cách phân tích thông tin, như thông tin nào tạo ra giá, thông tin nào chỉ là gây nhiễu; học cách chốt lời và cắt lỗ đúng lúc…
Nếu đầu tư dài hạn, nhà đầu tư phải học về phân tích cơ bản, về tài chính doanh nghiệp, biết về giá trị nội tại của cổ phiếu/doanh nghiệp, biết cách chọn cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tốt, biết đa dạng danh mục để giảm thiểu rủi ro.
Nói tóm lại, nhà đầu tư phải hiểu rõ bản chất của việc đầu tư “lướt sóng” hoặc đầu tư dài hạn, phải trả lời một cách logic về những quyết định đầu tư của mình. Còn nếu chỉ đầu tư theo những câu lý giải đơn giản, chẳng hạn như vì giá tăng, là chưa đủ. Nhà đầu tư phải biết tại sao giá cổ phiếu tăng, có chắc chắn không và tăng đến mức nào?
Câu tiếp theo sẽ là doanh nghiệp tốt như thế nào, theo tiêu chí gì? Giá trị nội tại của doanh nghiệp là bao nhiêu? Nếu không trả lời được, nhà đầu tư chỉ đang tham gia một trò chơi hên xui với những đồng tiền của mình.
Theo Người Lao Động