Bộ Tài chính đưa ra hai kịch bản lạm phát năm nay, trong đó khả quan nhất là CPI sẽ tăng 3,2%, trường hợp xấu hơn tăng 3,7%.
Hai kịch bản dự báo tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Bộ Tài chính nêu tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, ngày 3/8.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguồn cung, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường và diễn biến đúng với kịch bản điều hành của Ban chỉ đạo điều hành giá. Chẳng hạn, lãi suất trong xu hướng giảm để gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân; tỷ giá ổn định. Lũy kế đầu năm đến cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước mua ròng 3,07 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng, bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2,06% so với cùng kỳ 2022. Bình quân 7 tháng, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.
Theo Bộ Tài chính, dư địa điều hành giá những tháng còn lại năm nay “dễ thở hơn”. Cơ quan này đưa ra hai kịch bản lạm phát các tháng còn lại của năm nay. Kịch bản 1, CPI bình quân năm 2023 được dự báo tăng 3,2% so với năm ngoái trên cơ sở giá lương thực, thực phẩm tăng 3%; nhà ở thuê tăng 8%, vật liệu bảo dưỡng nhà ở đắt thêm 3%, giá dịch vụ y tế tăng 4%; còn giá xăng dầu và gas giảm 10%.
Kịch bản 2, CPI năm nay tăng khoảng 3,7% khi giá xăng dầu giảm ít hơn 5%, giá lương thực, thực phẩm và dịch vụ y tế tăng lần lượt 5% và 6%.
Với các kịch bản đưa ra, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm nay tăng 3,2-3,7%, thấp hơn mục tiêu đưa ra đầu năm là kiểm soát tăng 4,5% (tức mỗi tháng cuối năm chỉ số này còn dư địa tăng 1,61%).
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê dự báo CPI tăng khoảng 3-3,5% với giả định giá dịch vụ giáo dục không tăng theo lộ trình. Tương tự, Ngân hàng nhà nước dự báo lạm phát bình quân năm nay tăng khoảng 3,7% (cộng trừ 0,5%).
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu để sẵn sàng các biện pháp phù hợp. Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. “Không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu”, Phó thủ tướng nói.
Theo báo cáo Bộ Tài chính gửi tới cuộc họp, Bộ Công Thương được đề nghị sớm hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, chiều 3/8 Bộ Công Thương cho biết đã trình dự thảo nghị định sửa đổi nói trên từ ngày 18/7.
Với giá điện, Bộ Công Thương đôn đốc EVN báo cáo phương án giá điện cập nhật hàng quý để thực hiện giá bán điện theo quy định. Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, cần được sớm hoàn thiện.
Với mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát biến động thị trường; sản xuất và nguồn cung, nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Trong những tháng còn lại của năm, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương đảm bảo cung cầu hàng hóa, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.