Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước càng trở nên gian nan hơn nữa khi việc hoạch định chính sách tiền tệ của mình còn phải “nhìn” sang cả chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Không giống như ở nhiều nước khác trên thế giới, nơi lạm phát nhìn chung đã đạt đỉnh và giảm nhiệt dần (tuy vẫn đứng ở mức cao) từ một vài tháng trước, lạm phát của Việt Nam, như được biểu hiện qua tốc độ tăng/giảm của chỉ số giá cả CPI bình quân năm tháng đầu năm 2023 so với năm trước, vẫn tiếp tục xu hướng tăng kể từ năm 2021 (3,55% năm 2023; 2,25% năm 2022 và 1,29% năm 2021).
So với mức lạm phát mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm nay là 4,5% (đã tăng từ mức 4% đặt ra cho năm 2022), và so với mức lạm phát thực tế đạt được trong năm 2022 là 3,15%, việc kiềm chế lạm phát dưới mức mục tiêu cho năm nay vẫn còn không ít thách thức.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ đầu năm nay đã có xu hướng chững lại rõ rệt sau khi đạt được mức tăng ấn tượng trong các quí của năm trước nhờ chấm dứt giãn cách, phong tỏa trong dịch Covid-19. Kèm thêm những dấu hiệu kém tích cực có thể quan sát, đong đếm được như tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, chấm dứt hoạt động tăng lên đáng kể, đơn hàng giảm sút, các cửa hàng ở các phố lớn đóng cửa, việc sa thải nhân công diễn ra nhiều hơn…, đã có nhiều tiếng nói đề xuất tiếp tục giảm lãi suất (nới lỏng chính sách tiền tệ), đi ngược lại với chiều hướng khó tránh khỏi là phải tăng lãi suất để tiếp tục kiềm chế lạm phát vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với tư cách là cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, với sứ mệnh ổn định giá cả và tài chính, quyết định mặt bằng lãi suất trong nước, đồng thời cũng có tư cách là một cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự chi phối, tác động chính sách trực tiếp từ Chính phủ và gián tiếp từ các cơ quan, đoàn thể khác, như thường lệ, đang chịu áp lực lớn từ các bên để đưa ra được một chính sách tiền tệ với lãi suất khả dĩ đạt điểm cân bằng thỏa mãn cho tất cả các bên.
Nhiệm vụ của NHNN càng trở nên gian nan hơn nữa khi việc hoạch định chính sách tiền tệ của mình còn phải “nhìn” sang cả chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Ảnh hưởng từ các ngân hàng trung ương
Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước lớn trên thế giới có thể tác động đến chính sách tiền tệ của NHNN qua một số kênh, bao gồm lãi suất, tỷ giá, dòng vốn lưu chuyển xuyên biên giới, ổn định tài chính, và điều phối chính sách.
Khi một ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất chính sách, nó có thể ảnh hưởng đến chi phí vay, quyết định đầu tư và kỳ vọng về lạm phát nền kinh tế trong nước, từ đó ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trong nước.
Tương tự, các biện pháp của các ngân hàng trung ương lớn, chẳng hạn như thay đổi lãi suất ở Mỹ hoặc can thiệp vào thị trường ngoại hối như ở Nhật Bản, có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tiền đồng. Sự biến động của tỷ giá hối đoái có tác động đến chính sách tiền tệ trong nước bởi vì nó ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của xuất khẩu, giá nhập khẩu và lạm phát, là những yếu tố phải tính đến trong hoạch định chính sách tiền tệ của NHNN.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn cũng có thể ảnh hưởng đến dòng vốn giữa các quốc gia. Khi Fed thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, như giảm/ngừng nới lỏng định lượng hoặc mua tài sản tư nhân (trái phiếu doanh nghiệp), nó có thể làm tăng lãi suất và giảm cung tiền trong nền kinh tế.
Điều này khiến cho các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm lợi suất cao ở Mỹ và có thể đảo ngược dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam. Khi đó, NHNN có thể sẽ phải xem xét điều chỉnh chính sách của mình để quản lý tác động đảo chiều của dòng vốn ngoại lên nền kinh tế trong nước.
Một kênh tác động khác nữa là thông qua sự ổn định tài chính trong nước. Các động thái chính sách thực hiện bởi các ngân hàng trung ương lớn có thể ảnh hưởng đến điều kiện tài chính và tâm lý thị trường toàn cầu. Ví dụ, sự thay đổi chính sách tiền tệ, việc cung cấp thanh khoản hoặc thực thi các quy định pháp lý bởi một ngân hàng trung ương lớn có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm mức cung tín dụng, giá tài sản, và niềm tin thị trường nói chung.
Những diễn biến này có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trong nước. Vì vậy, NHNN cần đánh giá tác động của chúng lên hệ thống tài chính trong nước và điều chỉnh chính sách một cách phù hợp để duy trì ổn định các thị trường tài chính trong nước.
Thực tại và xu hướng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn
Ngân hàng trung ương của phần lớn các nước phát triển đã tăng lãi suất chính sách của mình để giảm áp lực lạm phát và giảm thiểu nguy cơ lạm phát vượt mức mục tiêu, dẫn đến kỳ vọng giá cả và tiền lương sẽ được điều chỉnh cao hơn tương ứng. Mức lãi suất chính sách được thị trường kỳ vọng đã giảm đáng kể vào tháng 3-2023 khi xảy ra các vụ đóng cửa một số ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ.
Tuy nhiên, những lo ngại về căng thẳng ngân hàng phổ biến đã giảm đi một phần sau phản ứng của các cơ quan quản lý tài chính ở các quốc gia này. Do đó, lãi suất chính sách được thị trường kỳ vọng đã tăng lên trở lại ở nhiều nền kinh tế phát triển, mặc dù vẫn thấp hơn so với mức đã đạt được trong năm nay.
Sự định giá trên các thị trường cho thấy lãi suất chính sách đã đạt hoặc ở gần ngưỡng cao nhất ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, và dự kiến lãi suất sẽ giảm trong một số nền kinh tế trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng trung ương đã có những động thái cho thấy lãi suất chính sách có thể cần được duy trì ở mức cao trong một thời gian nữa để đảm bảo lạm phát trở lại mức mục tiêu.
Một số động thái chính gần đây nhất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới được liệt kê như dưới đây.
– Fed đã tăng mục tiêu cho lãi suất chính sách của mình lên 5-5,25% sau hai cuộc họp vào tháng 3 và tháng 5. Theo Fed, họ sẽ đánh giá các dữ liệu mới và xem xét tác động trễ của việc siết chặt chính sách cho đến nay để xác định mức độ siết chặt phù hợp. Trong cuộc họp vào tháng 6, Fed tạm không tăng lãi suất nhưng không loại trừ điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng sau.
– Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng mức lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản lên 3% sau cuộc họp vào tháng 3, theo dự báo được đưa ra trong tháng 2. ECB cho biết tương lai của lãi suất chính sách sẽ phụ thuộc vào dữ liệu thực tế thu thập trong bối cảnh bất trắc đang gia tăng. Và ngày 4-5, ECB đã tăng mức lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng thứ 7 liên tiếp.
– Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng mức lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản lên 4,25% tại cuộc họp vào tháng 3. BoE cho biết sẽ siết chặt chính sách tiền tệ thêm nếu có bằng chứng về áp lực lạm phát dai dẳng hơn. Và ngày 11-5, BoE đã tăng mức lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng thứ 12 liên tiếp.
– Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã giữ mức lãi suất chính sách ổn định ở 4,5% trong cả hai cuộc họp vào tháng 3 và tháng 4. BoC cho biết sẵn sàng tăng mức lãi suất chính sách nếu cần thiết. Ngày 7-6, BoC đã tăng mức lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản.
– Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức -0,1% trong cả hai cuộc họp vào tháng 3 và tháng 4 và cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ (qua mua tài sản) cho đến khi lạm phát duy trì ổn định trên mức mục tiêu 2%.
– Một số ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển khác như ở Thụy Điển, Thụy Sỹ, Nga, Hàn Quốc, và New Zealand cũng đều đã tăng lãi suất chính sách của mình lên mức 1,5-5,25% trong các cuộc họp diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4-2023.
– Hầu hết các ngân hàng trung ương đã tiếp tục giảm số lượng tài sản được mua theo chương trình nới lỏng định lượng. BoC cho phép các trái phiếu đáo hạn mà không tái đầu tư, trong khi Fed tiếp tục tái đầu tư một phần thu nhập từ trái phiếu đáo hạn. Vào tháng 3, ECB đã bắt đầu giảm số lượng trái phiếu bằng cách tái đầu tư một phần nhỏ. BoE tiếp tục bán các khoản trái phiếu của mình.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển gần đây đã bắt đầu bán các khoản trái phiếu chính phủ có thời hạn dài, bên cạnh việc cho phép các tài sản khác đáo hạn mà không tái đầu tư. BoJ hiện là ngân hàng trung ương lớn duy nhất vẫn đang tăng lượng trái phiếu mua sắm của mình.
Như vậy có thể thấy, ngoại trừ BoJ, các ngân hàng trung ương lớn khác hầu như chỉ chú trọng đến kiềm chế lạm phát và sẵn sàng tăng lãi suất chính sách hơn nữa nếu lạm phát vẫn vượt xa mục tiêu, vẫn đứng ở mức cao dai dẳng dù có dịu đi so với mức đỉnh mấy tháng trước đây.
Lựa chọn nào?
Kể cả trong kịch bản thuận lợi, theo đó lạm phát thế giới giảm và các ngân hàng trung ương lớn không phải tăng lãi suất thêm nữa thì việc để lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% ở các nước này sẽ là một chặng đường không hề ngắn. Do đó, lãi suất thế giới nhìn chung sẽ vẫn đứng ở mức cao trong nửa cuối năm 2023 và sang đến ít nhất nửa đầu năm 2024.
Ở trong nước, NHNN đã “nhanh chân” hơn các đối tác nước ngoài của mình, lội ngược dòng trào lưu tăng lãi suất chung trên thế giới bằng bốn đợt hạ lãi suất từ ngày 15-3-2023 đến nay. Hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là lý do chủ yếu cho các hành động chính sách này.
Trong bối cảnh bất định về triển vọng lạm phát và lập trường cứng rắn về kiềm chế lạm phát (thông qua nâng/duy trì lãi suất chính sách cao) như là một ưu tiên chính sách hàng đầu của các ngân hàng trung ương không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phát triển, việc ổn định tỷ giá tiền đồng bằng các yếu tố nội lực của nền kinh tế Việt Nam như dự trữ ngoại hối, thặng dư thương mại, nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp…, vốn đã ít nhiều bị thương tổn trong giai đoạn trong và hậu Covid-19, sẽ là một thách thức.
Do đó, xét đến các yếu tố khá bất lợi trong hoàn cảnh hiện tại, như áp lực lạm phát đứng ở mức cao trong khi chính sách tiền tệ đã được nới lỏng sớm và đáng kể (với lãi suất chính sách giảm trở lại bằng với mức trước Covid-19), và triển vọng lạm phát, lãi suất cao ở phần còn lại của thế giới, có lẽ NHNN cần kiên định ít nhất là không hạ thêm lãi suất chính sách trong nửa cuối năm nay.
Theo investing