Sau gần hai năm thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đang tạm ngừng tăng để đánh giá tình hình và cân nhắc những bước đi tiếp theo. Trọng tâm chú ý của thị trường tài chính đã chuyển sang thời điểm các ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng chính sách khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát giảm bớt.
Trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ bắt đầu từ tháng 9 năm 2021, 9 nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất tổng cộng 3.965 điểm cơ bản (bps). Nhật Bản là quốc gia đang thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hôm thứ Tư (1/11) đã giữ lãi suất ở mức 5,25% -5,50% sau khi các nhà hoạch định chính sách xác định đã đến lúc phải đánh giá xem liệu các điều kiện tài chính có đủ chặt chẽ để kiểm soát lạm phát hay không, hay liệu một nền kinh tế tiếp tục hoạt động tốt hơn mong đợi để họ có điều kiện thắt chặt hơn nữa? Nhiều nhà phân tích bắt đầu kỳ vọng Fed đã hoàn tất việc thắt chặt tiền tệ.
New Zealand
Ngân hàng trung ương New Zealand (RBNZ) là một trong những ngân hàng đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2021. Nhưng chu kỳ thắt chặt – đã đẩy lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 15 năm là 5,5% vào tháng 5 – có thể sẽ chấm dứt khi nền kinh tế dịu lại.
Các thị trường nhận định có 10% khả năng RBNZ sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách tiếp theo, vào cuối tháng 11.
Anh
Ngân hàng Anh hôm thứ Năm (2/11) đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 15 năm và nhấn mạnh rằng rủi ro lạm phát có xu hướng tăng.
BoE cũng cho biết nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ không tăng trưởng chút nào trong năm 2024. Thị trường dự đoán có khả năng BoE sẽ cắt giảm lãi suất đáng kể từ tháng 8 năm 2024.
Canada
Ngân hàng Canada đã giữ lãi suất qua đêm chủ chốt ở mức 5% vào ngày 25 tháng 10. Các nhà đầu tư nhận định Ngân hàng Canada sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức hiện tại trong một khoảng thời gian.
Thống đốc Tiff Macklem cho biết ngân hàng trung ương sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tiếp tục kéo dài.
Khu vực đồng Euro
Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 4% vào tuần trước, đồng thời lưu ý dữ liệu mới nhất tiếp tục chỉ ra rằng lạm phát đang dần giảm xuống mức mục tiêu 2%.
Với lạm phát hiện đang giảm nhanh và bằng những chứng về sự tăng trưởng chậm lại, các nhà đầu tư đã đặt cược vào việc ECB sắp cắt giảm lãi suất. Thị trường dự đoán lãi suất của ECB sẽ giảm 25 bps vào tháng Tư năm sau.
Na uy
Ngân hàng Norges đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25% vào thứ Năm (2/11) và nhắc lại rằng họ có khả năng tăng lãi suất vào tháng 12.
Lạm phát ở Na Uy giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng 9. Nhưng Ngân hàng Norges cũng hôm thứ Năm cho biết việc tạm dừng sẽ cần có sự đảm bảo rằng áp lực giá cơ bản đang giảm bớt.
Thụy Điển
Thụy Điển đã tăng lãi suất cơ bản lên 4% vào tháng 9 và phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự đoán nền kinh tế Thụy Điển sẽ giảm 0,7% vào năm 2023. Lạm phát của Thụy Điển, không bao gồm chi phí năng lượng, vẫn ở mức rất cao trong tháng 9, là 6,9%.
Úc
Nhiều khả năng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ phải tăng lãi suất khi giá nhà tăng trở lại mức cao kỷ lục và Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị họ cần tiếp tục thắt chặt chính sách tài chính và tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Thị trường dự đoán có gần 70% khả năng RBA sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm lên 4,35% vào ngày 7 tháng 11.
Thụy Sỹ
Thị tường dự đoán Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 1,75% trong tháng 12 trước khi đánh giá tình hình để có những động thái tiếp theo.
Đồng franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất so với đồng euro kể từ năm 2015 vào ngày 20 tháng 10, trước khi giảm trở lại phần nào kể từ đó, sau khi xung đột bùng nổ ở Gaza.
Đồng franc mạnh lên đã giúp SNB kiểm soát lạm phát, ở mức 1,7% trong tháng 10. Tuy nhiên, điều đó cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Thụy Sĩ vào thời điểm nền kinh tế đang trì trệ.
Nhật Bản
Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) hôm thứ Ba (31/10) đã giữ ổn định lãi suất cực thấp nhưng đã điều chỉnh mức trần 1% đối với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm để cho phép chi phí vay dài hạn tăng thêm. Động thái này đã gây nhiều tranh cãi.
BOJ cũng nâng dự báo về giá, cho rằng lạm phát sẽ vượt mục tiêu 2% trong năm nay và năm tới.
Sự thay đổi giới hạn lợi suất đã khiến các nhà đầu tư choáng ngợp, những người mong đợi một động thái mạnh mẽ hơn. Nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản Masato Kanda hôm thứ Tư (1/11) đã phải đưa ra những cảnh báo bất thường về sự can thiệp tiền tệ với mục đích ngăn chặn sự trượt giá của đồng yên – đã rơi xuống mức thấp nhất trong 33 năm.
Theo investing