Khoảng bốn tháng sau khi Chính phủ Mỹ thoát khỏi tình huống bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại đang đối diện với một nguy cơ khác “không mới”: chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa.
Tính đến 17h ngày 26-9 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua được bất cứ dự luật chi tiêu nào để cấp kinh phí cho các cơ quan liên bang trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-10.
Các thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thừa nhận không còn nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận trước hạn chót này.
Kịch bản Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa
Theo báo New York Times, Nhà Trắng đã khuyên các cơ quan chính phủ chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa trong bối cảnh nội bộ Đảng Cộng hòa vẫn chưa thông suốt trong đàm phán. Hiện nhiều cơ quan đã lên sẵn kế hoạch ứng phó tình huống đó.
Đối với hàng triệu công chức liên bang, điều này có nghĩa họ phải nghỉ việc tạm thời trong lúc chính phủ đóng cửa hoặc tiếp tục làm việc không lương. Đối với công chúng, họ sẽ bị gián đoạn nhiều dịch vụ của chính phủ.
Một trong những tác động dễ thấy nhất đối với công chúng là các công viên quốc gia và bảo tàng sẽ bị đóng cửa. Trong một số trường hợp, điều đó có thể gây tổn thất đáng kể về du lịch.
Thống đốc Katie Hobbs của bang Arizona tuyên bố sẽ dùng quỹ xổ số của bang để duy trì hoạt động của công viên quốc gia Grand Canyon.
Những ngày gần đây Nhà Trắng đã nêu ra một số chương trình của chính phủ có thể gặp hệ lụy nghiêm trọng nếu bị tạm ngưng.
Trong đó có việc hỗ trợ tiêm chủng và dinh dưỡng thông qua Chương trình bổ sung dinh dưỡng đặc biệt cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em (WIC). Nếu không có kinh phí, gần 7 triệu phụ nữ và trẻ em có thể bị ảnh hưởng, theo Nhà Trắng.
Theo Hãng tin Reuters, một quan chức trong Chính phủ Mỹ cho biết việc công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng – bao gồm các báo cáo về tình hình lạm phát và việc làm, vốn có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư – sẽ bị đình chỉ vô thời hạn nếu chính phủ đóng cửa.
Việc tạm ngừng công bố báo cáo sẽ diễn ra ở tất cả cơ quan chính phủ như Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động, Cục Điều tra dân số và Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Đồng thời các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các nhà đầu tư, doanh nghiệp và dân thường ở Mỹ sẽ rơi vào trạng thái mơ hồ khi cần đưa ra những quyết định quan trọng.
Tuy nhiên với những cơ quan cung cấp các dịch vụ thiết yếu, nhân viên vẫn sẽ làm việc. Trong đó bao gồm số lượng lớn công tố viên và điều tra viên liên bang, nhân viên bưu điện và nhân viên Cục An ninh vận tải.
Nguyên nhân vì đâu?
Việc chính phủ đóng cửa xảy ra khi Quốc hội Mỹ không thể thông qua các luật ngân sách. Các nghị sĩ phải thông qua 12 dự luật chi tiêu khác nhau để cấp kinh phí cho các cơ quan liên bang và việc này mất nhiều thời gian.
Tình trạng bế tắc ngân sách hiện tại bắt nguồn từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu chính phủ, gồm cả việc có nên thông qua thêm gói viện trợ lớn cho Ukraine hay không.
Mâu thuẫn nội bộ bên trong Đảng Cộng hòa cũng đe dọa tới vị trí lãnh đạo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Hồi tháng 5, bất chấp chỉ trích, ông McCarthy đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Joe Biden để nới trần nợ công, tránh tình trạng vỡ nợ.
Hạ viện Mỹ (do Đảng Cộng hòa kiểm soát) có thể sẽ cố gắng thúc đẩy cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ trong tuần này. Một số thành viên trong đảng này đe dọa sẽ phế truất Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nếu ông không ủng hộ việc cắt giảm mạnh hơn nữa chi tiêu ngân sách.
Tuy nhiên, việc cắt giảm như vậy khó có thể được Thượng viện Mỹ (do Đảng Dân chủ kiểm soát) thông qua.
Theo báo New York Times, Chính phủ Mỹ đã trải qua 21 lần thiếu kinh phí hoạt động kể từ năm 1976, dẫn đến đóng cửa chính phủ với nhiều cấp độ khác nhau.
Nhà Trắng đang lo ngại sẽ lặp lại kịch bản tồi tệ nhất hồi năm 2018: đợt đóng cửa dài nhất khiến khoảng 800.000 trong số 2,1 triệu nhân viên của chính quyền liên bang “thất nghiệp tạm thời” trong 34 ngày.
Theo Tuoitre
Được sưu tầm và biên soạn bởi team FXVIET.COM.VN
Xem thêm các tin tức tài chính thế giới tại đây.