Theo chuyên gia từ IMF, một đợt suy thoái kinh tế diện rộng sẽ ập đến nếu Washington và Bắc Kinh không hạ nhiệt căng thẳng.
Trong bài phát biểu vào hôm thứ Ba tại Đại học Stanford (Mỹ), Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc-Mỹ kéo dài. Quan chức này cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tồi tệ hơn nếu căng thẳng giữa hai bên không có dấu hiệu suy giảm.
“Tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị sẽ làm suy giảm đáng kể những lợi ích đạt được từ hội nhập quốc tế, lôi kéo nhiều quốc gia vào thế khó phải lựa chọn giữa các siêu cường,” bà cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFPNhận xét của quan chức này đưa ra trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, với một số thách thức đáng chú ý như: leo thang căng thẳng Mỹ-Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine.
Bà Gopinath cho biết dù sự phân mảnh kinh tế vẫn chưa nghiêm trọng như thời Chiến tranh Lạnh, nhưng sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng do toàn cầu đang phụ thuộc đáng kể vào hoạt động thương mại.
Thị phần hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm 8 điểm phần trăm trong quãng thời gian từ 2017-2023 do quan hệ thương mại giữa hai bên rạn nứt. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng giảm khoảng 4 điểm phần trăm cùng kỳ.
“Thương mại giữa các khối quốc gia liên kết với Trung Quốc hoặc Mỹ đang bị ảnh hưởng đáng kể,” bà Gopinath cho biết.
Từ giữa năm 2022-2023, tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình theo quý giữa các quốc gia có mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc đã giảm 5 điểm phần trăm so với giai đoạn 2017-2022.
Bài phát biểu của bà Gopinath diễn ra trong thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu quay trở lại châu Âu sau 5 năm, với các điểm dừng chân theo lịch trình gồm Pháp, Serbia và Hungary, bước đi được cho nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Âu.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh và phương Tây đã tăng cường các cuộc đối thoại cấp cao nhằm nỗ lực hàn gắn quan hệ bị rạn nứt trong nhiều năm do những lo ngại về an ninh quốc gia, cáo buộc về hành vi phản cạnh tranh và quan điểm trung lập của Trung Quốc liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine.
Theo dữ liệu được công bố vào tháng trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong quý 1 chỉ đạt 301 tỷ nhân dân tệ – giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều công ty quốc tế vẫn đang dè chừng, do lo ngại đà suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc và những tranh chấp địa chính trị đang xảy ra.
Một cuộc khảo sát từ Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc vào tháng 2 cho thấy gần một nửa doanh nghiệp được hỏi không có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, khảo sát từ Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc vào tháng 6/2023 cho thấy 11% đã chuyển đầu tư ra khỏi nền kinh tế số hai thế giới.
Theo bà Gopinath, tác động từ căng thẳng Mỹ-Trung đối với kinh tế toàn cầu có thể sẽ khác nhau, với mức thiệt hại ước tính từ 0,2% GDP đến 7% GDP.
Mức độ suy thoái cũng sẽ xảy ra không đồng đều, khi IMF dự đoán các nước thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phân mảnh thương mại do phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nông sản và đầu tư từ các nước phát triển hơn.
Chuyên gia cho biết trong tương lai, thế giới cần phải thực hiện nhiều động thái thiết thực nhằm tạo dựng lại niềm tin, bắt đầu từ việc các quốc gia phải tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác qua lại cởi mở.
“Đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tồi tệ đang xảy ra. Các nước không liên kết có thể đóng vai trò lớn hơn bằng cách sử dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao để duy trì và thúc đẩy xu hướng hội nhập toàn cầu,” bà Gopinath nói.
Theo Người Quan Sát