Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu động thái bất ngờ của OPEC có khiến giá dầu tăng quá nhanh, vượt qua “sức chịu đựng” của nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh hay không.
3 năm trước, khi giá dầu thô lần đầu tiên giảm xuống mức âm, nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào bất ổn. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cùng các nước phương Tây nỗ lực thuyết phục Ả Rập Xê Út và Nga cắt giảm sản lượng, hỗ trợ thị trường dầu. Sau đó, các đợt giảm sản lượng của OPEC+ đã giúp ngành dầu đá phiến của Mỹ ổn định trở lại.
Và 3 năm sau, sự hợp tác như vậy đã không còn. Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine đã khiến châu Âu tìm cách loại bỏ năng lượng Nga, trong khi các nước G7 đưa ra mức giá trần để trừng phạt Nga. Năm ngoái, giá dầu thô tăng mạnh đã khiến rạn nứt giữa Riyadh và chính quyền Tổng thống Joe Biden càng thêm sâu sắc.
Sự bất ổn của mối quan hệ này lại xuất hiện trong tuần vừa rồi, khi Riyadh và các đồng minh OPEC+ khiến thị trường dầu sốc với thông báo giảm nguồn cung dầu thô. Nỗ lực này nhằm làm tăng giá dầu, bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Gregg Priddy, chuyên gia tư vấn tại Spout Run Advisory, cho biết động thái bất ngờ từ tổ chức này được đưa ra ở thời điểm “bước ngoặt”, ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị chứ không chỉ trên thị trường dầu mỏ.
Áp lực khi lạm phát tăng cao, nhu cầu yếu đi
Các nhà phân tích cho rằng áp lực giá dầu tăng sẽ càng gây khó khăn cho nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của các NHTW. Hơn nữa, nếu OPEC+ có thể khiến giá dầu duy trì ở mức cao trong thời gian dài, thì nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga cũng gặp lực cản lớn.
Nhìn chung, việc OPEC+ cắt giảm 1,1 triệu thùng dầu/ngày sẽ gây ra nhiều xáo trộn cho vấn đề địa chính trị năng lượng. Trong thời điểm mà nhiều chiến lược gia cho rằng sẽ chứng kiến nhu cầu sụt giảm và các quốc gia dầu mỏ như Ả Rập Xê Út và Nga giảm dần sức ảnh hưởng, thì quyền lực đang hướng về phía Riyadh.
Helima Croft, trưởng bộ phận hàng hoá của RBC Capital Markets, cho biết: “Ả Rập Xê Út sẵn sàng trải qua căng thẳng với Washington để đạt mục tiêu kinh tế của chính họ. OPEC đã trở lại ghế ‘cơ trưởng’, khi Ả Rập Xê Út là quốc gia nắm quyền quyết định.”
Tuy nhiên, cường quốc dầu mỏ này và cả nền kinh tế toàn cầu cũng phải chịu rủi ro lớn nếu nỗ lực này bị đẩy đi quá xa.
Adi Imsirovic, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: “Lạm phát cao, các nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái và giá dầu cần hạ xuống trong thời gian ngắn để nền kinh tế hồi phục. Nếu các NHTW không thể sử dụng công cụ truyền thống là hạ lãi suất, thì OPEC+ có thể sẽ là tác nhân đẩy toàn bộ nền kinh tế thế giới vào suy thoái.”
Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ thường được đưa ra sau vài giờ hoặc vài ngày đàm phán. Tuy nhiên, thông báo mới nhất thì chưa rõ được “chốt” trong bao lâu.
Theo đó, Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út, Abdulaziz bin Salman, đã khiến những nhà đầu cơ đặt cược giá dầu đi xuống trở nên bối rối. Giá dầu tăng vọt sau khi nước này và các đồng minh gồm UAE, Iraq và Kuwait thông báo cắt giảm 1,1 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 1% nhu cầu dầu toàn cầu, lên trên 85 USD từ 79 USD/thùng trước đó.
Ngay cả trước thông báo này, các nhà phân tích và dự báo của Phố Wall đã dự đoán nguồn cung sẽ giảm khi nhu cầu tăng cao vào mùa hè, khiến giá tăng đột biến vào năm 2023.
Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu động thái bất ngờ của OPEC có khiến giá dầu tăng quá nhanh, vượt qua “sức chịu đựng” của nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh hay không.
Amy Myers Jaffe, giáo sư Đại học New York, cho hay: “Việc giá dầu tăng, trong bối cảnh nhiều quốc gia tiêu thụ nghèo hơn đang chật vật với nợ nần và đồng USD, có thể khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn. Khi đó, giá dầu cao sẽ làm trầm trọng thêm các yếu gây bất ổn khác, có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến mọi thứ sụp đổ, kể cả giá dầu.”
Quyết định của OPEC có thể đẩy họ vào thế khó
Một số khác thì cho rằng Ả Rập Xê Út đang đặt cược rằng nền kinh tế toàn cầu có thể “chịu đựng” việc giá dầu đắt đỏ hơn, đặc biệt là khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Amira Sen, trưởng bộ phận nghiên cứu của Energy Aspects, cho biết Ả Rập Xê Út biết rõ nhu cầu đang giảm, nhưng nghĩ rằng mức giá lên tới 120 USD là có thể chấp nhận được. Theo bà, việc giá dầu tăng trong tuần qua là do các trader tìm cách cover các vị thế bán khống, nhưng vẫn kỳ vọng giá tăng cao hơn vào cuối năm.
Trong khi đó, chính các nhà xuất khẩu dầu cũng đang chịu áp lực từ lạm phát tăng cao và nỗ lực tăng doanh thu từ loại hàng hoá này để ứng phó, theo nhà quản lý quỹ phòng hộ lĩnh vực dầu mở Pierre Andurand. Ông cho biết, giá dầu thô hiện vẫn tương đối rẻ.
Andurand từng dự đoán giá dầu có thể đạt 140 USD/thùng trong năm nay. Ông nói: “Nếu nhìn vào các quốc gia OPEC, họ cũng đang hứng chịu lạm phát như những nơi khác, trong khi hoạt động nhập khẩu của họ tăng lên rất nhiều, tính theo đồng USD. Rõ ràng, họ đang muốn nói rằng giá dầu 80-90 USD/thùng đang là quá thấp.”
Ả Rập Xê Út cho biết việc cắt giảm 500.000 thùng/ngày của họ nhằm mục đích “hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”. Tuy nhiên, quốc gia này cũng cần nhiều tiền hơn để chi trả cho siêu dự án Vision 2030.
Theo Roger Diwan, một nhà quan sát kỳ cực về OPEC tại S&P Global Commodity Insights, sau khi Ả Rập Xê Út và các nhà sản xuất khác cắt giảm sản lượng dầu thô từ tháng 5 đến cuối năm, thì nhu cầu với dầu Nga sẽ tăng lên. Theo đó, điều này có thể giúp giá dầu Nga vượt mức trần do G7 áp đặt là 60 USD/thùng.
Ngoài ra, động thái của Ả Rập Xê Út cũng khiến mối quan hệ của nước này với Washington rạn nứt. Chính quyền ông Biden vốn đã dành nhiều tháng để thực hiện chính sách ngoại giao “con thoi” vào năm ngoái, để thuyết phục Riyadh tăng nguồn cung dầu nhằm không đẩy giá dầu tăng vọt.
Nguồn cafef.vn
Xem thêm các tin tức thế giới tại đây.