Trong quý II vừa qua, 36 trong số 74 tập đoàn ngân hàng và ngân hàng khu vực đã niêm yết của Nhật Bản đã nâng vốn dự phòng rủi ro cho vay so với một năm trước, với tổng số vốn dự phòng cho hạng mục này tăng 70%.
Đà tăng này được dự đoán sẽ còn nới rộng hơn nữa trong những tháng tới, khi một lượng lớn các khoản vay trong thời kỳ đại dịch COVID-19 sẽ bắt đầu đáo hạn, trong khi người đi vay vẫn đang chật vật với chi phí gia tăng.
Ngân hàng Shimizu Bank ở tỉnh Shizuoka đã dành 670 triệu yen (4,6 triệu USD) để dự phòng rủi ro cho vay trong quý II, trong khi con số này của ngân hàng Bank of Kochi ở đảo Shikoku là 340 triệu yen.
Các ngân hàng khu vực lớn hơn cũng tăng lượng vốn dự phòng rủi ro cho vay trong quý vừa qua. Vốn dự phòng cho hạng mục này của tập đoàn Fukuoka Financial Group đã tăng gấp ba lần lên 1,6 tỷ yen. Ngân hàng Kiraboshi Bank ở Tokyo cũng tăng gấp đôi mức dự phòng lên 1,2 tỷ yen do nhiều khách hàng vay vốn bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Ông Toshiyuki Kumagai, Chủ tịch của ngân hàng Keiyo Bank, cho rằng chi phí tín dụng sẽ gia tăng dựa trên dự đoán rằng điều kiện hoạt động kinh doanh sẽ trở nên khó khăn hơn đối với các khách hàng đi vay. Vì thế, theo ông, các ngân hàng đang giữ tâm lý thận trọng.
Tình trạng phá sản doanh nghiệp đang có xu hướng tăng, khi nghĩa vụ trả nợ đang chồng chất thêm áp lực cho các công ty đang lao đao vì lạm phát và tình trạng thiếu lao động. Công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research cho biết số trường hợp phá sản đã tăng 53% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái lên 758 vụ, mức tăng trong một tháng cao nhất kể từ đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, theo ngân hàng The Risk Data Bank of Japan, tỷ lệ vỡ nợ với các khoản vay ngân hàng trên cả nước đã tăng lên mức 1,11% trong tháng Năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp.
Chuyên gia Jun Ishida của công ty Nền tảng quản lý tài sản Nhật Bản, dự báo chi phí tín dụng và tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng hơn nữa trong quý III.
Theo investing