Việc cho Elon Musk vay tiền mua Twitter đã trở thành khoản cho vay M&A tệ nhất với các ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Năm 2022, Elon Musk mua mạng xã hội Twitter (hiện là X) với giá 44 tỷ USD. Trong đó, 7 ngân hàng đã cho ông vay 13 tỷ USD để thực hiện thương vụ này. Đó là Morgan Stanley, Bank of America Barclays, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), BNP Paribas, Mizuho và Société Générale.
Thông thường, sau khi thương vụ hoàn tất, các nhà băng sẽ nhanh chóng bán khoản vay này cho các nhà đầu tư khác để loại chúng khỏi bảng cân đối kế toán và kiếm lời. Tuy nhiên, trong trường hợp của Musk, vì kết quả kinh doanh của X khá yếu, các nhà băng vẫn chưa thể bán mà không phải chịu lỗ lớn. Khoản vay vì thế mắc kẹt trong sổ sách của ngân hàng, được gọi là “nợ treo”.
Ngay sau khi thương vụ mua Twitter hoàn tất, giá trị khoản vay cho Musk cũng nhanh chóng giảm sút. Thậm chí, báo cáo của hãng dữ liệu PitchBook LCD còn chỉ ra đây là khoản nợ treo dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Thông thường, các ngân hàng bán xong nợ chỉ trong vòng một năm sau khi cho vay.
Steven Kaplan – Giáo sư tài chính tại Đại học Chicago – đã theo dõi các thương vụ tương tự kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông cho biết thương vụ mua Twitter không chỉ là khoản nợ treo lớn nhất về giá trị kể từ năm 2008, mà còn là một trong các khoản lớn nhất lịch sử.
“Các khoản vay này gây sức ép lên ngân hàng lâu hơn tất cả những thương vụ khác mà chúng tôi từng chứng kiến”, ông nói.
Việc làm ăn với người giàu nhất thế giới được cho là hấp dẫn đến mức các ngân hàng không ngần ngại cho Musk vay, dù chính ông thừa nhận đã định giá Twitter quá cao. Bên cạnh đó, việc Musk và các nhà đầu tư khác đã bỏ ra khoảng 30 tỷ USD tiền túi để mua mạng xã hội này cũng giúp các ngân hàng yên tâm phần nào nếu thương vụ gặp vấn đề.
Các nhà băng đã thu được số tiền lãi khổng lồ từ khoản vay này. Các khoản vay có kỳ hạn 7-8 năm, với lãi suất cao hơn vài phần trăm so với bình thường. Họ cũng chẳng thiệt thòi nếu X trả lãi đầy đủ và hoàn trả tiền vay khi đáo hạn.
Tuy nhiên, gần 2 năm sau khi Musk hoàn thành thâu tóm, hoạt động kinh doanh của X vẫn chưa khởi sắc. Năm ngoái, công ty này cho biết giá trị đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 19 tỷ USD.
Các số liệu cho thấy vài tuần gần đây, các tin tức chính trị giúp số lượt sử dụng X tăng vọt. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc này sẽ giúp doanh thu quảng cáo phục hồi đáng kể. Từ trước khi Musk tiếp quản, X đã chật vật duy trì lợi nhuận. Tháng này, Musk còn chỉ trích các doanh nghiệp rút quảng cáo khỏi X, đòi kiện họ và cáo buộc họ âm mưu tẩy chay X.
Việc phải trả lãi cũng khiến tài chính của X thêm khó khăn. Trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng nâng lãi, Musk cho biết tiền trả lãi hàng năm của X đã vào khoảng 1,5 tỷ USD.
Trong sổ sách, một số ngân hàng đã giảm trừ hàng trăm triệu USD với khoản cho Musk vay. Khoản lỗ trên giấy này đang ăn mòn lợi nhuận của họ. Việc nắm giữ khoản vay có rủi ro cao cũng khiến họ bị giới chức chú ý. Một số ngân hàng đã phải giảm quy mô việc cho vay thực hiện M&A.
Nguồn tin của WSJ cho biết các khoản nợ treo còn khiến các nhà băng tụt hạng trong mảng ngân hàng đầu tư, do thị phần giảm sút. Điều này ảnh hưởng đến khả năng quảng bá hình ảnh của họ và tác động lên thu nhập của các nhân viên.
Theo hãng dữ liệu Dealogic, Bank of America và Morgan Stanley từng chiếm hai vị trí đầu tiên về hoạt động cho vay mua tài sản tài chính tại Mỹ năm 2021 và 2022. Nhưng 2 năm gần đây, JPMorgan và Goldman Sachs – các nhà băng không tham gia thương vụ mua Twitter – đã dẫn đầu.
Nợ treo cũng ảnh hưởng đến thu nhập của một số nhân viên ngân hàng. Trong một sự kiện đầu năm ngoái, các nhân viên hàng đầu trong mảng M&A của Barclays được thông báo thu nhập của họ sẽ bị giảm ít nhất 40% so với năm trước đó. Nhà băng này có vài khoản nợ treo, nhưng X là lớn nhất.
Đầu năm nay, ngân hàng này thảo luận kế hoạch tái cấu trúc khoản vay. Theo đó, Musk có thể trả trước một phần khoản nợ, còn ngân hàng chấp nhận giảm lãi suất, nguồn tin của WSJ cho biết.
Dù vậy, các nhà băng cũng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ muốn có quan hệ tốt với Musk và 6 công ty ông đang điều hành. Không ai muốn bỏ lỡ cơ hội nếu công ty hàng không vũ trụ SpaceX hay công ty Internet vệ tinh Starlink của Musk làm IPO.
Tuy nhiên, các phát ngôn của Musk cũng khiến việc bán nợ trở nên khó khăn, nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh của X không tốt. Với MUFG, việc Musk chỉ trích các khách hàng quảng cáo khiến lãnh đạo ngân hàng này lo ngại. Họ đã đánh tụt xếp hạng tín dụng nội bộ của khoản vay này. Đây là dấu hiệu MUFG cho rằng khoản vay khó thu hồi.
“MUFG đã có vài cuộc nói chuyện mang tính xây dựng với Musk và các lãnh đạo trong đội ngũ của ông. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt kết quả khả quan về vấn đề hoàn trả nợ”, người phát ngôn của MUFG khẳng định.
Nguồn Vnexpress.net