Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani đã đưa ra tuyên bố này bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế lần thứ 15 vào ngày 18/5. PressTV đưa tin, đại diện phía Iran mới đây đã tuyên bố những nước thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đang kiên quyết theo đuổi nỗ lực loại bỏ đồng tiền Mỹ trong các giao dịch thương mại và kinh tế.
Iran đang chủ động tham gia vào sáng kiến của BRICS do Nga lãnh đạo. Trong đó Nga và Iran đang làm việc với nhau để tạo ra một đồng tiền chung cho toàn khối.
Nhận xét này được đưa ra bởi Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani vào hôm 18/5 khi nói chuyện với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế lần thứ 15 “Nga – Thế giới Hồi giáo: Diễn đàn Kazan 2024” tại Kazan, Cộng hòa Tatarstan (Nga).
Khi Mỹ sử dụng đồng USD để áp đặt các hạn chế, việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong các khu vực chung trở thành ưu tiên hàng đầu của BRICS.
Iran và Nga là hai quốc gia bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt nhiều nhất vì không được tiếp cận các hệ thống thanh toán của phương Tây, bao gồm cả SWIFT.
Theo ông Ali Bagheri Kani, BRICS sẽ quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD nhưng họ cần phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết trong nhiều lĩnh vực khác nhau để biến điều đó thành hiện thực.
Hệ thống thanh toán BRICS trước đây đã được trợ lý của Điện Kremlin Yury Ushakov giới thiệu vào tháng 3. Theo ông, thay vì sử dụng tiền tệ, hệ thống thanh toán dựa trên blockchain mới sẽ được áp dụng có tên là “BRICS Pay”.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng việc tạo ra một hệ thống thanh toán BRICS độc lập là mục tiêu quan trọng cho tương lai, dựa trên các công cụ tiên tiến như công nghệ số và blockchain. Điều quan trọng là đảm bảo nó phải thuận tiện cho Chính phủ, người dân và doanh nghiệp, cũng như tiết kiệm chi phí và không liên quan đến chính trị”.
IntelliNews cho hay, đây không phải là đồng tiền chung mới của BRICS mà là một phiên bản tương tự như SWIFT cho các giao dịch bằng đồng tiền quốc gia dưới dạng kỹ thuật số hoạt động trên công nghệ blockchain.
Sự thay đổi này phù hợp với những nỗ lực không ngừng của BRICS nhằm tăng cường hợp tác tài chính và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây.
Khối này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế kể từ khi được thành lập vào năm 2006 và thường được coi là đối trọng với quyền bá chủ kinh tế cũng như chính trị của phương Tây.
Bằng cách gia nhập BRICS, Iran đặt mục tiêu vượt qua các lệnh trừng phạt và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng động thái này dự kiến sẽ tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của nước này và củng cố lợi ích kinh tế trên trường quốc tế lớn hơn.
Bên cạnh đó, ông Bagheri Kani lưu ý hợp tác giữa Iran và Nga không gây bất lợi cho bất kỳ quốc gia nào mà thay vào đó sẽ thúc đẩy lợi ích của 2 nước cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nêu bật năng lực to lớn của Tehran và Moscow trong việc tăng cường hợp tác, nhà ngoại giao Iran nhấn mạnh 2 bên đều quyết tâm phá vỡ thế độc quyền của phương Tây đối với nền kinh tế toàn cầu và chuẩn bị cho việc thúc đẩy quan hệ giữa những quốc gia độc lập.
Theo Người Quan Sát