Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ có thể là một tín hiệu quan trọng cho các Ngân hàng Trung Ương (NHTW) trên toàn cầu. Hãng tin Bloomberg nhận định, hầu hết các NHTW trên toàn cầu đã hoàn thành lộ trình tăng lãi suất hoặc có lãi suất đã gần chạm đến mức đỉnh. Do đó nhiều khả năng làn sóng tăng lãi suất sẽ tạm dừng trước khi các NHTW xem xét khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Khi những tín hiệu xấu về tăng trưởng kinh tế bắt đầu dấu hiệu và hậu quả từ những vụ sụp đổ ngân hàng vẫn còn đeo bám, việc Fed ngừng nâng lãi suất sau tháng 5/2023 có thể là hồi kết của chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ.
NHTW châu Âu và một số nước khác có thể mất nhiều thời gian hơn nhưng động thái của Chủ tịch Jerome Powell sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nền kinh tế khác.
Từ Brazil đến Indonesia, lãi suất có thể bắt đầu hạ sớm nhất là trong năm nay. Nhiều nền kinh tế phát triển cũng sẽ tiếp bước. Theo dự báo của Bloomberg, ít nhất 20 trên tổng số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đóng góp 90% GDP toàn cầu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Vào quý 3, lãi suất toàn cầu sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 6%. Đến cuối năm 2024, con số giảm xuống còn 4,9%.
Các chu kỳ trước, Nhật Bản có thể đứng ngoài xu hướng chung. Dưới thời của tân Thống đốc BoJ Kazuo Ueda, lãi suất chuẩn của NHTW – vốn đang thấp nhất trên thế giới – được dự báo duy trì cho tới năm 2024.
Hiện BoJ đang duy trì mức lãi suất thấp nhất thế giới và dưới thời tân Thống đốc Kazuo Ueda, lãi suất của Nhật Bản được dự báo sẽ không thay đổi cho đến sang năm, khi BoJ được dự báo cuối cùng sẽ từ bỏ chính sách lãi suất âm.
Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, nhận định: “Kể từ đầu năm nay, các NHTW đã đứng trước nhiều sức ép. Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh hơn, kinh tế châu Âu né tránh suy thoái và thị trường lao động Mỹ thắt chặt. Tất cả đều gây sức ép tăng lãi suất. Nhưng sự sụp đổ của SVB và Credit Suisse lại thôi thúc cắt giảm lãi suất. Vì thế, với những dấu hiệu cho thấy đã kiểm soát được khủng hoảng ngân hàng lây lan, phe thắt chặt đang dành chiến thắng. Lãi suất sắp đạt đỉnh”.
Fed có thể giảm lãi suất xuống 4,25%
Các chuyên gia tại Bloomberg Economics dự báo lãi suất cuối năm 2023 sẽ là 5,25%, cao hơn mức hiện tại 5%, tức còn 1 đợt nâng lãi suất. Tuy nhiên, các chuyên gia này kỳ vọng Fed sẽ quay đầu giảm lãi suất xuống 4,25% vào cuối năm 2024.
Các quan chức Fed sẽ vẫn tiếp tục nâng lãi suất bất chấp các rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng. Đà tăng mạnh của giá dầu gần đây sẽ càng thúc họ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 5/2023.
Lãi suất do Fed ấn định sẽ quyết định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, và tác động tới các khoản vay tiêu dùng, thế chấp, mua xe và thẻ tín dụng.
Thêm vào đó, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã làm rung chuyển ngành tài chính. Giới quan sát tin rằng những rắc rối trong hệ thống ngân hàng sẽ còn tạo ra tác động lan tỏa trong vài tháng tới. Tuy nhiên, quan điểm của Fed về sự cần thiết phải hạ nhiệt giá cả gần như không thay đổi.
Chuyên gia Anna Wong của Bloomberg Economics nhận định: “Chúng tôi dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 5. Với việc OPEC+ vừa cắt giảm mạnh sản lượng dầu và thị trường lao động Mỹ vẫn thắt chặt, lạm phát vẫn sẽ giữ ở mức 4% trong năm 2024 và ngăn Fed hạ lãi suất. Năm nay lãi suất Mỹ sẽ đạt đỉnh, dù kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhẹ vào cuối năm”.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tài chính đang nghiêng về việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 2-3/5 tới.
ECB chỉ tăng 0,5% cho đến cuối năm
Bloomberg Economics dự báo lãi suất chuẩn của ECB tại cuối năm 2023 sẽ là 3,5%, cao hơn so với mức hiện tại (3%). Cuối năm 2024, lãi suất chuẩn của ECB được kỳ vọng giảm xuống 2,5%.
Các quan chức ECB phát tín hiệu mạnh hơn rằng thời kỳ lãi suất tăng mạnh nhất sắp tới hồi kết. ECB vẫn sẽ tăng lãi suất nhưng với mức độ nhẹ hơn để giải quyết lạm phát. Tháng 3, lạm phát ở châu Âu tiếp tục phá kỷ lục và vẫn đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, với lạm phát lõi đang ở gần mức mục tiêu, quá trình tăng lãi suất gần như đã hoàn tất. Tổng cộng ECB tăng lãi suất 350 điểm cơ bản từ tháng 7 năm ngoái đến nay.
Một số nhà hoạch định chính sách thừa nhận các ngân hàng có thể siết chặt hoạt động cho vay vì những bất ổn gần đây của hệ thống. Động thái như vậy sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có ích cho công cuộc chống lạm phát.
Trong khi đó, ECB cũng đang giảm số dư trên bảng cân đối kế toán khoảng 15 tỷ Euro/tháng (15.8 tỷ USD) trong giai đoạn tháng 3-5/2023.
Trung Quốc, Nhật Bản và Anh đồng loạt cắt giảm lãi suất
Kinh tế Trung Quốc đang lấy được đà hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và thị trường bất động sản ổn định trở lại. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chưa có ý định thu hẹp nỗ lực kích thích tiền tệ. Thay vì lãi suất, PBOC sử dụng các công cụ khác như tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tháng 3, tỷ lệ này đã giảm xuống để bơm tiền vào nền kinh tế.
Thống đốc Yi Gang cho rằng mức độ hiện nay là hợp lý và PBOC sẽ không làm ngập hệ thống với những gói kích thích. Theo dự báo, lạm phát của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức trên 2% trong năm nay, đem đến dư địa lớn để Trung Quốc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt.
Dự báo đến cuối năm 2023, lãi suất sẽ giảm xuống 2,55% – thấp hơn mức hiện tại 0,2%. Cuối năm 2024, lãi suất chuẩn của Trung Quốc được kỳ vọng giảm xuống 2,5%.
Cùng thời điểm, lạm phát ở Anh bất ngờ tăng vọt khiến nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư tranh cãi về việc liệu BoE có tiếp tục theo đuổi lộ trình thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong 3 thập kỷ hay không. Thị trường dự báo đến giữa năm nay lãi suất sẽ tăng lên 4,5%, nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo con số sẽ dừng lại ở đó.
Các vụ giải cứu ngân hàng có thể làm tăng chi phí của các ngân hàng. Tuy nhiên, cùng lúc đó nền kinh tế lại đang diễn biến tốt hơn dự báo.
Bloomberg Economics cho rằng NHTW Anh và Nhật Bản đã đạt đỉnh lãi suất và sẽ không nâng lãi suất thêm.
Theo investing