Arab Saudi từ bỏ mục tiêu kéo giá dầu lên 100 USD

Arab Saudi – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – sẽ tăng sản lượng để giành lại thị phần, từ bỏ mục tiêu kéo giá nhiên liệu lên 100 USD một thùng.

Financial Times hôm 26/9 trích nguồn tin cho biết từ tháng 12, nhóm Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đồng minh (gồm Nga), tức liên minh OPEC+ sẽ tăng dần sản lượng dầu. Việc này nhằm giúp Arab Saudi – nước lãnh đạo OPEC – tăng lại thị phần, dù giá nhiên liệu có thể giảm. Động thái này đồng nghĩa, họ sắp từ bỏ mục tiêu kéo giá dầu lên 100 USD một thùng.

Arab Saudi là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Hai năm qua, các nước OPEC+ hợp tác giảm sản lượng dầu để kéo giá lên. Tuy nhiên, năm nay giá lại giảm gần 6%. Nguyên nhân là các nước, như Mỹ, tăng sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới – yếu đi. Diễn biến này khiến OPEC+ hồi đầu tháng phải thông báo hoãn kế hoạch nâng sản xuất trong tháng 10 và 11.

Sau thông tin trên, dầu Brent giảm 2,1% về 72 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI cũng hạ về 68 USD.

OPEC và Arab Saudi luôn khẳng định họ không có mục tiêu cụ thể về giá dầu. Các quyết định đều dựa trên diễn biến thị trường và mong muốn cân bằng cung cầu.

Dù vậy, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Arab Saudi cần giá quanh 100 USD để cân bằng ngân sách. Thái tử Mohammed bin Salman đang tìm nguồn vốn cho các siêu dự án nhằm cải tổ kinh tế quốc gia này.

Quyết định này cho thấy sự thay đổi lớn về quan điểm của Arab Saudi. Họ hiện gánh phần lớn mức giảm sản lượng của OPEC+. Từ cuối 2022, quốc gia này tự nguyện giảm 2 triệu thùng mỗi ngày. Hiện tại, OPEC+ cắt giảm tổng cộng 5,86 triệu thùng một ngày, tương đương 5,7% nhu cầu toàn cầu.

Đây không phải lần đầu tiên quốc gia Trung Đông này tăng sản lượng để bảo vệ thị phần. Năm 2020, họ tham gia cuộc chiến giá dầu với Nga. Quan hệ hai bên xấu đi sau khi Moskva từ chối đề xuất giảm sản xuất và gia hạn thỏa thuận hạ sản lượng với OPEC. Đáp trả, Arab Saudi tuyên bố hạ giá bán dầu và tăng sản lượng. Cuộc chiến kéo dài khoảng một tháng, trước khi OPEC và Nga đạt thỏa thuận mới.

Trước đó, năm 2014, Riyadh cũng từ chối lời kêu gọi của các nước OPEC khác về việc giảm sản xuất để ghìm đà đi xuống của giá dầu. Việc này châm ngòi cho cuộc chiến thị phần giữa OPEC và các nước ngoài nhóm này, trong bối cảnh Mỹ tăng sản xuất dầu đá phiến.

Nguồn Vnexpress.net

0865 205 590