Hiện tượng El Nino năm nay dự kiến sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát lương thực toàn cầu vốn đã cao vì lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Bắt đầu từ tháng 9, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ gây ra nhiều tháng nắng nóng cực độ cho các khu vực Nam Á và Trung Mỹ, cũng như lượng mưa lớn trên dãy Andes. Hiện tượng này thường làm gián đoạn chu kỳ cây trồng và có khả năng gây thêm căng thẳng cho nguồn cung và giá lương thực toàn cầu.
Kỳ vọng lạm phát cao hơn
Sự kết hợp của ba cú sốc, gồm El Nino phát triển mạnh, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati và Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen, có thể đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao ở một số nước nghèo hơn, nơi lương thực thường chiếm khoảng 30% chi tiêu thông thường cho hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Con số này gấp đôi so với ở các nền kinh tế phát triển.
Mặt khác, nó làm tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi trong việc duy trì lãi suất cao hơn ở thời gian dài hơn, điều vốn đang gây biến động mạnh trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ địa phương.
Hiện khối thị trường mới nổi đang được thị trường định giá để hạ lãi suất ngay từ cuối năm nay. “Đó là do các nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng của El Nino đến thị trường hàng hóa và tài chính”, theo Zanna Aleksahhina, nhà phân tích ngũ cốc tại tập đoàn nghiên cứu hàng hóa Mintec.
Cho đến nay, những động thái của Ấn Độ và Nga đã bắt đầu ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu. Chỉ số giá thực phẩm FAO của Liên hợp quốc đã giảm 26% trong giai đoạn từ tháng 03/2022 đến tháng 6 năm nay, song lại tăng 1.3% trong tháng 7. Giá lúa mì quốc tế tăng 1.6%, ghi nhận tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 12. Chỉ số giá gạo toàn cầu của FAO tăng 2.8% lên mức cao nhất kể từ tháng 09/2011.
Laura Sanchez – Giám đốc bộ phận nghiên cứu bền vững cho thị trường châu Mỹ ở Morgan Stanley, cho biết: “El Nino có xu hướng đạt đỉnh điểm vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau, nhưng những tác động đối với lạm phát lương thực, ngân sách tài chính, chính sách tiền tệ, tổng sản phẩm quốc nội và thương mại, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, sẽ kéo dài hơn”.
Diana Iovanel, chuyên gia kinh tế thị trường tại Capital Economics, nói rằng: “Đối mặt với tình trạng El Nino phát triển mạnh, ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi sẽ cần duy trì lãi suất chính sách cao hơn trong thời gian dài hơn để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng hơn”.
Vào tháng 6, ông Shaktikanta Das – Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ, bày tỏ lo ngại về nguy cơ thời tiết khô hơn do El Nino gây ra vào cuối năm nay. Hai ngày sau, Ủy ban chính sách tiền tệ của Thái Lan cũng cảnh báo giá thực phẩm thô có thể bị ảnh hưởng.
Tác động lây lan
Tác động của El Nino lên lạm phát toàn cầu có thể lan rộng ra ngoài lĩnh vực lương thực, theo JPMorgan. Phân tích của JPMorgan dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới về giá cả hàng hóa từ những năm 1960 cho thấy các sự kiện El Nino, thường xảy ra hai lần trong một thập kỷ, khiến giá cao su, gỗ và kẽm trên toàn cầu tăng lên.
Tại Australia, El Nino có xu hướng gây ra lượng mưa lớn cho vùng Pilbara phía Tây, nơi có trữ lượng quặng sắt khổng lồ. Australia chiếm khoảng 60% thương mại quặng sắt đường biển, nghĩa là giá nguyên liệu này sẽ cao hơn trong trường hợp xảy ra gián đoạn do thời tiết.
Các khu vực ở Trung Mỹ, nơi El Nino được dự đoán sẽ gây ra nhiệt độ cực cao, đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng đến mức chính quyền Kênh đào Panama, nơi có hệ thống khoá nước và hồ chứa phụ thuộc vào nguồn nước ngọt sẵn có, buộc phải giảm lượng nước dùng để lưu thông tàu thuyền hàng ngày.
Nhu cầu về khí tự nhiên hóa lỏng, nhiên liệu được vận chuyển trên những tàu chở dầu, chắc chắn sẽ tăng lên nếu El Nino gây ra mùa đông lạnh hơn ở châu Âu như trước đây.
Joe DeLaura, chiến lược gia năng lượng cấp cao tại Rabobank, cho biết: “Chúng ta đang ở trong một thế giới đầy rủi ro và giá cả cao hơn”.
Theo Vietstock