Trong hai tuần đầu năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tiếp tục đà phục hồi tốt, khi chúng ta có trụ đỡ là nhóm ngành ngân hàng sau một năm tích lũy khá chậm. Cùng với đó, là các kết quả kinh doanh đáng khích lệ cho thấy rủi ro của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam có vẻ đã nằm lại ở năm 2023.
Dòng vốn ngoại có sự phân hóa
Trên thị trường thế giới, tâm điểm vẫn tập trung ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, là những nơi dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm đến và đẩy cao trào của TTCK ở các quốc gia này lên một tầm cao mới.
Tại Mỹ, tuần vừa qua đã có dữ liệu về lạm phát cao hơn một chút so với dự báo nhưng không đáng kể và vẫn theo xu hướng chung đó là lạm phát hạ nhiệt nhanh, tiến tới mục tiêu dài hạn (2%) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Thị trường lao động tại Mỹ ổn định là điều kiện cực kỳ quan trọng hỗ trợ người dân Mỹ tích lũy tài sản.
Từ đầu năm đến nay, TTCK Mỹ vẫn ghi nhận tăng trưởng dương với chỉ số S&P 500 tiệm cận vùng đỉnh trong điều kiện mặt bằng lãi suất thấp, công nghệ AI phát triển, động lực tiêu dùng mạnh,…. Do đó, những nhóm ngành dẫn sóng ở năm 2023 sẽ tiếp tục là nhóm ngành dẫn sóng trong năm 2024.
Đối với châu Á, sự phân hóa đối với dòng vốn đầu tư của nước ngoài đến các thị trường đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều, trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế hơn so với mong đợi, liên quan đến sự sụt giảm của hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sự sụt giảm này là từ mức đỉnh lịch sử của năm 2021-2022 và vẫn cao hơn rất nhiều so với thời gian trước đây.
Một trong những lý do giúp xuất nhập khẩu của Trung Quốc duy trì ở mức cao là giá trị xuất khẩu của các mặt hàng của Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn, khi họ bắt đầu tăng cường hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ nhiều hơn. Trong 2-3 năm qua, Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đầu tư và xuất khẩu ô tô điện, trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ.
Riêng với Nhật Bản, họ đã trở thành quốc gia thu hút dòng vốn lớn nhất châu Á và leo lên đỉnh lịch sử sau 34 năm. Cùng lúc đó đã có áp lực chốt lời kỷ lục khi nhà đầu tư rút tiền ra khỏi TTCK Trung Quốc, chảy vào các quốc gia châu Á khác, điển hình là Nhật Bản.
Điều này cũng tạo gánh nặng nhất định đến các quốc gia láng riềng như Việt Nam, vì chúng ta cũng chịu áp lực chốt lời lớn trong năm 2023 từ các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, nhà đầu tư có thể hình dung ra được viễn cảnh của Việt Nam cũng như nhiều nước ở châu Á đó là định giá thị trường trở về vùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, động lực đối với một nền kinh tế thường không kéo dài trong vòng một năm mà sẽ kéo dài trong nhiều năm, nghĩa là dòng vốn đầu tư vào Nhật Bản sẽ không sớm chốt lời trên vùng đỉnh hiện tại. Nếu TTCK ở châu Á và Trung Quốc vẫn chịu áp lực chốt lời, thì TTCK Nhật Bản sẽ vẫn chứng kiến các đỉnh mới cao hơn.
Câu hỏi đặt ra là bao giờ nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại TTCK Trung Quốc? Điều này còn phụ thuộc vào thị trường trái phiếu của nước này, bởi vì đây là một trong những điểm nhấn liên quan đến mức độ tự tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi Trung Quốc đang phải trải qua khá nhiều cú sốc, như việc thanh lọc các tập đoàn từ phía Chính phủ, hay lĩnh vực bất động sản được xem là gánh nặng rất lớn.
Vì vậy, những thị trường chịu ảnh hưởng chốt lời và trở về vùng giá hấp dẫn như Trung Quốc và Việt Nam sẽ cần thời gian để thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại bằng nhiều cách khác nhau, từ cơ chế chính sách đến việc tái cấu trúc các doanh nghiệp để vượt qua sóng gió.
Tỷ giá VND (HM:VND) có thể tăng nhẹ
Tại Việt Nam, trong báo cáo gần nhất của HSC mới công bố liên quan đến triển vọng VND trong năm 2024-2025, áp lực liên quan đến tỷ giá của Việt Nam trong năm 2024 sẽ còn tiếp diễn. Mặc dù chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã được thu hẹp, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn, đặc biệt áp lực chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài chưa kết thúc.
Một yếu tố nữa là dù xuất khẩu của Việt Nam đã hồi phục tốt, nhưng nếu nhìn vào con số tuyệt đối sẽ thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2023 chỉ tăng khoảng 2,5 tỷ USD so với cuối năm trước đó và cần thời gian để ổn định.
Việc VND mất giá trong năm 2024 cũng không phải yếu tố tiêu cực, thực tế sự cạnh tranh hậu đại dịch đối với hoạt động xuất nhập khẩu là rất lớn. Bài học đến từ Nhật Bản đó là đồng Yên Nhật mất giá kỷ lục, nhưng qua đó đã kích thích tiêu dùng rất lớn, tạo sự cạnh tranh cho mặt hàng tiêu dùng của Nhật Bản.
Trong khi Việt Nam vẫn là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, nếu đồng Việt Nam mất giá sẽ góp phần nâng tính cạnh tranh tốt hơn cho mặt hàng của chúng ta khi sự cạnh tranh đến từ các quốc gia châu Á khác đang tiếp tục gia tăng.
Đối với lạm phát, cùng với xu hướng chung của thế giới là các loại hàng hóa đã dồi dào, chúng ta không còn có sự thiếu hụt liên quan đến lương thực thực phẩm, đặc biệt là dầu, thì dự báo liên quan đến CPI tổng thể ở Việt Nam sẽ đạt mức khoảng 3,5% trong năm 2024, nghĩa là vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước từ 4 – 4,5%.
Với các điều kiện trên sẽ hỗ trợ Việt Nam có thể duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng thời hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục hồi phục.
Theo investing