Nền kinh tế 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực. Nhiều chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sẽ rơi vào tình cảnh giống như Nhật Bản sau 30 năm phát triển như vũ bão.
Năm 2023 được kỳ vọng là năm nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi hạn chế của đại dịch Covid-19 và sẽ trở lại để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Nhưng thay vì bùng nổ, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: Chi tiêu tiêu dùng trì trệ, thị trường bất động sản chao đảo, xuất khẩu sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt kỷ lục và nợ chính quyền địa phương cao ngất ngưởng.
Những căng thẳng này bắt đầu phát tác trên toàn cầu, từ giá cả hàng hoá đến thị trường chứng khoán. Điều đó làm dấy lên câu hỏi rằng liệu nền kinh tế Trung Quốc có trở nên bất ổn như “Nhật Bản thứ hai” sau 30 năm tăng trưởng như vũ bão hay không.
Tình hình kinh tế Trung Quốc hiện ra sao?
Mục tiêu chính thức của Trung Quốc là tăng trưởng 5% trong năm 2023. Khi nền kinh tế thế giới được dự đoán tăng 2,8% vào năm nay, mục tiêu 5% thoạt nhìn không phải là quá khiêm tốn.
Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc vẫn tuân theo các quy định của Zero Covid vào năm 2022. Nếu bỏ những ảnh hưởng này, tăng trưởng năm 2023 sẽ gần mức 3%, thấp hơn một nửa mức bình quân trước đại dịch.
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 6 không thay đổi. Giá tại cổng nhà máy tiếp tục giảm làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát, thứ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Tại sao kinh tế Trung Quốc gặp khó lại là vấn đề đáng lưu tâm?
Việc làm và hoạt động sản xuất trên thế giới phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nơi có thị trường rộng lớn và được ví như công xưởng thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng dự kiến chiếm 22,6% tăng trưởng thế giới, tức gấp đôi Mỹ.
Tăng trưởng của Trung Quốc tác động đến doanh nghiệp trên toàn thế giới thông qua thương mại. Các quốc gia xuất khẩu khoáng sản như Brazil và Australia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ cơ sở hạ tầng và bất động sản Trung Quốc. Giá các mặt hàng chủ chốt như sắt, thép giảm do nhu cầu từ Trung Quốc không tăng mạnh như kỳ vọng.
Sau hạn chế của đại dịch, du khách Trung Quốc vẫn chưa tiếp tục đi du lịch nước ngoài vì vấn đề tài chính, khiến các quốc gia phụ thuộc vào du lịch bị ảnh hưởng.
Trước khả năng lãi suất tiếp tục tăng khiến Mỹ rơi vào suy thoái, viễn cảnh hai cường quốc kinh tế thế giới đồng thời lao dốc ngày càng lớn, gây thêm khó khăn cho toàn thế giới.
Nguyên nhân do đâu?
Nền kinh tế 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực. Dữ liệu công bố cuối tháng 6 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp. Xuất khẩu cũng giảm sút. Kể từ khi đạt kỷ lục 340 tỷ USD vào tháng 12/2021, xuất khẩu Trung Quốc giảm xuống còn 284 tỷ USD trong tháng 5, do lãi suất tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở Mỹ và châu Âu.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm chặn đứng Trung Quốc khỏi nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ khác làm tình hình thêm nghiêm trọng. Tổng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã giảm 6,7% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Ngoài ra, các chính quyền địa phương nặng nợ ở Trung Quốc cũng đang gây thêm căng thẳng. Các thành phố tăng cường đi vay trong thời kỳ nguồn thu từ bất động sản dần cạn kiệt.
Tại sao hoạt động mua sắm không bùng nổ hậu Covid-19?
Vào đầu năm 2023, nhiều chuyên gia lạc quan rằng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc sẽ phục hồi thần tốc. Người dân sẽ ra ngoài mua sắm và du lịch bù lại thời gian đại dịch. Nhưng bất động sản sa sút khiến người dân nước này thấy khối tài sản họ sở hữu đang giảm giá trị, vì thế họ tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu.
Một rào cản lớn khác với tiêu dùng là tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục 20,8%. Nguyên nhân một phần là do Trung Quốc siết chặt quy định với các công ty công nghệ lớn, khiến con đường sự nghiệp đầy tham vọng của nhiều sinh viên trong ngành này gặp khó khăn.
Chính phủ Trung Quốc đang làm gì?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất vào tháng 6, một công cụ truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng. Động thái bất ngờ này làm gia tăng kỳ vọng về nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn.
Nhiều người kỳ vọng hạn chế về bất động sản sẽ được nới lỏng, thuế cho người tiêu dùng được giảm, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhiều hơn và khuyến khích các nhà sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Triển vọng nào cho nền kinh tế Trung Quốc?
Tình trạng thừa nhà ở sẽ khiến hoạt động xây dựng mất một thời gian dài nữa mới có thể hoạt động mạnh mẽ trở lại. Khi dân số giảm và quá trình đô thị hoá chậm lại, nhu cầu về nhà ở tại Trung Quốc sẽ giảm. Như vậy, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài. Trường hợp này có thể sẽ giống như Nhật Bản rơi vào “thập kỷ mất mát”, sau khi bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản vỡ tung.
Nhìn chung, nhiều mối đe doạ đang cản trở đà phát triển của Trung Quốc để vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tham khảo Bloomberg