Nhóm Bluechip có KQKD khả quan chưa được dòng tiền chú ý? Thị trường 12/7

Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay có 3 tin tức đáng chú ý: thanh khoản thị trường dao động ở mức 14-15 nghìn tỷ/phiên trong kịch bản VN-Index tích lũy và tăng nhẹ hướng đến vùng 1.150 – 1.160 điểm, các cổ phiếu Bluechip có kết quả kinh doanh (KQKD) khả quan chưa được dòng tiền chú ý? Áp lực từ thị trường Trung Quốc có thể khiến NHNN xem xét thận trọng hơn với chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể giảm lãi suất trước Fed… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức mới trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 12/7.

1. Nhóm Bluechip có KQKD khả quan chưa được dòng tiền chú ý?

Trong báo cáo từ BSC cuộc chiến chống lạm phát dù đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng vẫn ở mức cao và còn cách khá xa so với mục tiêu kỳ vọng, chủ tịch các NHTW lớn trên thế giới tiếp tục phát đi các tín hiệu cho thấy môi trường lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì và có thể sẽ có những đợt nâng lãi suất tiếp theo trong các cuộc họp chính sách trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chủ tịch FED kỳ vọng sẽ nâng lãi suất thêm ít nhất 2 lần nữa trong năm 2023 – điều này xóa bỏ kỳ vọng về việc đảo chiều chính sách của FED trong năm nay tuy nhiên đây cũng là tín hiệu cho thấy đỉnh lãi suất đang đến rất gần mặc dù môi trường lãi suất cao và lạm phát còn dai dẳng sẽ khiến rủi ro với nền kinh tế càng lớn.

Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá USD/VND trong nước cho nửa cuối năm 2023. Mặt khác, động thái tiếp tục hạ lãi suất của NHTW Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi có những tín hiệu cho thấy sự giảm tốc và các thách thức lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt sau giai đoạn hậu Covid.

Tuy nhiên, BSC dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP Q2/2023 sẽ khả quan hơn cùng với các quyết sách mới của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu đã đề ra – được kỳ vọng sẽ tạo đà tăng trưởng cũng như mang lại triển vọng cho nền kinh tế thế giới trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 7:

  • Số liệu vĩ mô quý 2 tiếp tục cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế, sự kỳ vọng vào những động thái quyết liệt hơn của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm và các tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng, kích thích nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu được cụ thể hóa, thẩm thấu vào nền kinh tế. Mặt khác, áp lực bán ròng của khối ngoại tiếp tục giảm bớt bên cạnh tâm lý tích cực tiếp tục duy trì sẽ tạo động lực để VN Index tạo nền tích lũy và tiến đến vùng 1.150 – 1.160 điểm. Sự phân hóa cổ phiếu sẽ diễn ra khi các doanh nghiệp công bố KQKD Quý 2.
  • Với kịch bản 2, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt trong cuộc chiến chống lạm phát tiếp tục được phát đi từ người đứng đầu các NHTW lớn cho thấy môi trường lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì cho đến hết năm 2023 điều này sẽ gây áp lực đáng kể đến tình hình tỷ giá trong nước và diễn biến của khối ngoại. Trạng thái swap âm có thể khiến khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng bên cạnh đó diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường tác động đến tâm lý giới đầu tư toàn cầu. VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.090 – 1.100 điểm. Dự báo thanh khoản thị trường dao động ở mức 14-15 nghìn tỷ/phiên trong kịch bản VN-Index tích lũy và tăng nhẹ hướng đến vùng 1.150 – 1.160 điểm. P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 14-14,25 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.160 điểm

Theo đó với các quan điểm nêu trên, BSC cho rằng một số nhóm ngành có thể được hưởng lợi dựa trên tình hình vĩ mô chung bao gồm: (1) Nhóm cổ phiếu Bluechip chưa được dòng tiền chú ý đến, (2) Nhóm cổ phiếu có triển vọng KQKD khả quan, lưu ý một số nhóm ngành như công nghiệp, hóa chất, phân bón, nhiệt điện, tài chính, lương thực, thực phẩm khi hiện tượng El Niño mạnh hơn.

2. Áp lực từ thị trường Trung Quốc có thể khiến NHNN xem xét thận trọng hơn với chính sách tiền tệ

Trong khi NHNN đã mua hơn 6 tỷ USD để bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, đưa tỷ giá VN/USD về mức thấp và duy trì ổn định, cộng hưởng cùng việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục không đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi vì thao túng tiền tệ – thể hiện sự đánh giá cao chính sách ngoại hối của Việt Nam; thì một áp lực đến từ thị trường kề bên cũng được cho là yếu tố khiến các nhà điều hành xem xét thận trọng hơn với chính sách tiền tệ thời gian tới.

Điều này được thể hiện bởi các dữ liệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế có GDP danh nghĩa lớn thứ 2 thế giới vẫn đang chậm hơn kỳ vọng, với PMI của Trung Quốc tháng 5 giảm dưới ngưỡng 50 còn 48,8 điểm).

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ duy trì nhất quán khi vừa giảm lãi suất điều hành thêm 10 điểm cơ bản trong tháng 5/2023 nhằm hỗ trợ thị trường cho vay bất động sản, kích thích chi tiêu, sản xuất và hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng đây cũng là những nguyên nhân chính khiến CNY mất giá 4,7% so với USD trong 6 tháng 2023. Việc hỗ trợ tiền tệ của PBoC dù vậy, khiến sự leo thang của tỷ giá USD/CNY về gần mức đỉnh 2022, tại 7,2535.

Sự trượt giá đồng CNY được cho sẽ tạo ra áp lực mất giá lên VND (HM:VND) trong ngắn và dài hạn, bởi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cộng với áp lực giao dịch chênh lệch lãi suất với chính sách hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam, khiến lãi suất ở Việt Nam có một khoảng cách xa với các quốc gia lớn vẫn đang duy trì xu hướng tăng lãi suất. Như vậy “dư địa” để điều hành chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam được cho sẽ càng hẹp hơn.

Trong trường hợp các NHTW Mỹ và Châu Âu tiếp tục tăng lãi suất, thì áp lực tỷ giá của VND sẽ càng căng thêm vào cuối năm. Điều kỳ vọng là dữ liệu kinh tế Mỹ sẽ tích cực hơn với lạm phát hạ nhiệt. Bên cạnh đó nền kinh tế 16 nghìn tỷ đô của khu vực Eurozone hiện đang ghi nhận lạm phát suy giảm trên diện rộng, chủ yếu do giá lương thực, năng lượng và lạm phát cơ bản đều giảm, dẫn đến kỳ vọng ECB sẽ sớm chậm lại tăng lãi suất.

Việc Bắc Kinh không “khoanh tay đứng nhìn” tăng trưởng suy giảm, mà vẫn đang tích cực triển khai một gói kích thích quy mô lớn, hỗ trợ giải quyết nợ xấu, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện mối quan hệ với Mỹ, có thể giúp Trung Quốc vớt vát chạm mục tiêu tăng trưởng 5% từ mức nền thấp, cũng góp phần cho bài toán tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ bớt phức tạp hơn.

3. Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể giảm lãi suất trước Fed

Trong một báo cáo công bố từ Sonal Varma, một cuộc xoay trục chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn ở khu vực châu Á trước khi Fed có hành động tương tự – có thể xem như sự “phân ly” khỏi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu do Fed đi đầu – có khả năng sẽ diễn ra do các điều kiện kinh tế khác biệt ở châu Á so với Mỹ.

Biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed cho thấy các quan chức Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, dù tốc độ tăng có thể không còn nhanh như trước. Ngược lại, Trung Quốc gần đây đã chuyển sang cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế nước này hậu Covid-19 có nhiều dấu hiệu mất đà và nhà đầu tư mong đợi sẽ có những biện pháp kích cầu tiếp theo.

Một cuộc khảo sát theo thời gian thực do nhóm nghiên cứu của Nomura thực hiện cho thấy hơn 32% số người trả lời dự báo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ là ngân hàng trung ương đầu tiên cắt giảm lãi suất ở châu Á sau Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Tiếp đó sẽ là các ngân hàng trung ương của Indonesia, Philippines và Ấn Độ.

Các nhà kinh tế của Nomura chỉ ra rằng tình trạng giảm sút của hoạt động sản xuất hàng hoá gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế ở châu Á và sự giảm lạm phát là những nguyên nhân chính khiến họ đặt kỳ vọng các ngân hàng trung ương ở châu Á giảm lãi suất trước Fed. Không giống như ở Mỹ, các điều kiện thắt chặt trên thị trường lao động “không phải là một vấn đề của khu vực châu Á hiện nay”, ngoại trừ đối với Singapore. “Bởi vậy, lạm phát lõi ở những nước này không dai dẳng như ở Mỹ”, nhóm chuyên gia cho biết, và nói thêm rằng lạm phát ở châu Á chủ yếu xuất phát từ lý do nguồn cung hơn là nhu cầu.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã rơi vào trạng thái giảm phát. Ở Hàn Quốc, lạm phát đang dao động quanh ngưỡng 2,7%, gần mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Nomura dự báo Hàn Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế đầu tiên ở châu Á giảm lãi suất sau Trung Quốc. BOK được dự báo sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 10 và thêm 0,25 điểm phần trăm nữa trước cuối năm nay. Tháng 10 cũng là thời điểm mà Nomura cho là Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) bắt đầu giảm lãi suất, và tổng mức cắt giảm lãi suất của nước này trong năm nay sẽ là 0,75 điểm phần trăm.

0865 205 590