Quỹ Tiền tệ quốc tế hồi tháng 5 dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu
Theo khảo sát được Caixin/S&P Global công bố ngày 3-7, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Trung Quốc giảm từ 50,9 trong tháng 5 còn 50,5 trong tháng 6. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Trước đó vài ngày, dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy PMI tăng từ 48,8 trong tháng 5 lên mức 49 trong tháng 6.
Để đưa ra kết quả trên, theo đài CNBC, Caixin/S&P đã khảo sát 650 công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có định hướng xuất khẩu nhiều hơn và nằm tại các vùng ven biển của Trung Quốc. Trong khi đó, PMI chính thức dựa trên khảo sát 3.200 công ty trên khắp Trung Quốc.
Số liệu từ 2 cuộc khảo sát này càng củng cố nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mất đà tăng trưởng trong quý II/2023.
Nhà kinh tế cấp cao Wang Zhe tại Công ty Caixin Insight Group (Trung Quốc) nhận định: “Một loạt dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chưa ổn định do nhiều vấn đề nổi cộm, như thiếu động lực tăng trưởng nội tại, nhu cầu yếu và triển vọng ảm đạm”.
Một nhà máy ôtô tại tỉnh Tochigi – Nhật BảnẢnh: Reuters
Trong khi đó, theo cuộc khảo sát mới nhất về PMI ở Nhật Bản, các đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã giảm trong tháng 6 với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng qua, qua đó cho thấy nhu cầu suy giảm từ Trung Quốc.
Còn tại Hàn Quốc, PMI giảm từ 48,4 hồi tháng 5 còn 47,8 trong tháng 6. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp con số này sụt giảm do nhu cầu yếu ở cả châu Á và châu Âu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy PMI ở một số nền kinh tế châu Á khác cũng sụt giảm trong tháng rồi, trong đó có Malaysia.