Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam đạt khoảng gần 670 triệu USD, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự chững lại rõ rệt của dòng vốn đầu tư từ đối tác lớn nhất về quy mô vốn FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện tượng chưa thể phản ánh thực trạng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Thực tế, thời gian qua, một số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang có động thái chậm lại những quyết định đầu tư bởi một số khó khăn trong nền kinh tế của những quốc gia này.
Theo các trao đổi bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, lãnh đạo tập đoàn SK (là một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc), khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu cho đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang ấp ủ nhiều dự án mới để rót vốn vào Việt Nam trong tương lai.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài “đang có danh sách mấy chục dự án” của doanh nghiệp Hàn Quốc với quy mô vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD đang có kế hoạch triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới. Thực tế, không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến tối ưu cho dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng cao về năng lực phục hồi cũng như cải thiện về chỉ số tín dụng. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn hàng đầu châu Á và thế giới.
Bối cảnh bất ổn toàn cầu trong những năm qua càng thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam, đáng chú ý là trong đó có nhiều dự án về công nghệ cao, công nghệ mới như xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D); phát triển chip bán dẫn; trí tuệ nhân tạo, robot… Mặt khác, Việt Nam cũng trở thành điểm đến ưu tiên cho những dự án nhằm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới cắt giảm khí thải carbon, hướng tới phát triển bền vững.
Trước sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư toàn cầu, Việt Nam định hướng chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, với tiêu chí đánh giá chủ yếu dựa trên chất lượng, hiệu quả đầu tư, hàm lượng công nghệ cũng như tính bền vững của dự án đầu tư.
Việt Nam tiếp tục ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quy trình quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều tác động lan tỏa, thực hiện tốt chuyển giao công nghệ và kết nối khu vực trong nước với chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thực tế, bối cảnh trong nước trong thời gian qua đã gây ra một số bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, đến từ những dư chấn từ bất ổn kinh tế thế giới, cộng với việc Việt Nam đang thực hiện rà soát, sửa đổi một số bộ luật. Tình trạng thiếu điện, thiếu lao động cũng xảy ra ở quy mô cục bộ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh những giải pháp chung để thúc đẩy phục hồi và duy trì đà tăng trưởng như ổn định vĩ mô, thúc đẩy hạ tầng cần thiết, mở rộng thị trường xuất khẩu…. Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là khâu thực thi các thủ tục sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư như quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, hải quan, phòng cháy chữa cháy…
Đồng thời, các đơn vị đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ các cấp; nghiên cứu xây dựng những cơ chế đột phá về chính sách tài chính, tiền tệ, chứng khoán; xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng cũng như thích ứng với thuế suất tối thiểu toàn cầu…
Các ưu đãi đặc biệt tiếp tục được duy trì. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trước mắt, thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chỉ được áp dụng cho những doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và mức lợi nhuận trên 10% doanh thu, do đó các doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn sẽ tiếp tục có thể nhận được mức miễn, giảm thuế, phí của Việt Nam.
Các dự án đầu tư nhận được ưu đãi là dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D có vốn trên 3 nghìn tỷ đồng, giải ngân ít nhất 1 nghìn tỷ đồng trong 3 năm; dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có vốn trên 30 nghìn tỷ đồng, giải ngân ít nhất 10 nghìn tỷ dồng trong 3 năm.
Đối với trường hợp doanh nghiệp đáp ứng 1 trong các tiêu chí là có công nghệ cao, có giá trị gia tăng, có doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi và có chuyển giao công nghệ, sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt hơn nữa.
Theo investing